Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đứng trước nguy cơ ngập nước
Mặc dù thời gian qua sân bay Tân Sơn Nhất không còn bị ngập nặng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay như những năm trước, nhưng những nguy cơ gây ngập vẫn còn hiện hữu khi công tác chống ngập cũng như việc triển khai các dự án chống ngập ở khu vực này hiện vẫn đang gặp nhiều vấn đề.
Đoạn kênh tại đường Ba Vì bị người dân tố là đã bị nén đường ống làm đổi hướng dòng chảy, không hiệu quả trong thoát nước. |
Dù thời gian qua, UBND quận Tân Bình và các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để khơi thông dòng chảy, nạo vét, tuyên truyền để không cho người dân xả rác xuống các dòng kênh bao quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, tình trạng trên cũng không cải thiện là bao.
Có mặt tại tuyến kênh A41, chúng tôi thấy rác thải nổi lềnh bềnh trên dòng kênh đen ngòm, gây cản dòng chảy. Hầu hết các tuyến kênh đều bị lấn chiếm, bê tông hóa dẫn đến nhiều đoạn bị thu hẹp lại. Ngoài ra, người dân tại đường Ba Vì còn "tố" cơ quan chức năng không biết mục đích gì đã “bẻ” hướng một đoạn ống thoát nước, dẫn đến dòng chảy bị tắc đột ngột (!?).
Nước không thoát được nếu mưa dồn dập cộng với triều cường thì nguy cơ ngập nặng trong khu vực sân bay là điều không tránh khỏi.
“Tôi là người dân ở khu vực đường Ba Vì, thấy cống ở đường này trái ngược. Đề nghị thay ống cống, hai là phải để đúng chiều chứ đi ngược thế này sao nước chảy ra hết”, một người dân tại sinh sống tại đường Ba Vì bức xúc.
Rác ngập đầy kênh. |
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, thời gian qua công tác chống ngập trong sân bay đã cải thiện đáng kể. Đó là kết quả của việc đầu tư 2 máy bơm công suất lớn (700m3/h); giải tỏa, khôi phục nguyên trạng các kênh mương bên trong sân bay…
Tuy nhiên, sự không đồng bộ trong hệ thống thoát nước, như đoạn kênh A41 trong và ngoài sân bay vênh nhau 0.4m dẫn đến thoát nước không hiệu quả, đường thoát nước ra hướng Bảo tàng Không quân thì hệ thống ống không đồng bộ.
Đặc biệt, tình trạng các tuyến kênh thoát nước ở khu vực bên ngoài vẫn đang bị lấn chiếm, người dân xả rác xuống dòng kênh chưa được giải quyết triệt để khiến cho việc thoát nước trong sân bay vẫn còn nhiều rủi ro, nguy cơ ngập nước khi mưa lớn là khó tránh khỏi bởi những cơn mưa có vũ lượng cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều.
Sân bay Tân Sơn Nhất sau trận mưa chiều tối ngày 11/9 (ảnh: Người lao động). |
Còn ông Đỗ Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính gồm kênh A41, kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản. Trong đó, mương Nhật Bản có một nhánh dù đang hoạt động tốt, còn một nhánh cần phải nắn lại dòng chảy để thoát nước hiệu quả.
Kênh Hy Vọng hướng ra kênh Tham Lương thì đoạn trong sân bay tới đường Tân Sơn đã được nạo vét thường xuyên nhưng đoạn từ Tân Sơn đến kênh Tham Lương đang bị người dân lấn chiếm, xả rác, cỏ mọc um tùm…dẫn đến hiệu quả thoát nước không cao.
Vấn đề nóng nhất và cần phải giải quyết là phải làm thông thoáng kênh A41 (quận Tân Bình) để thoát nước. Vì phía trong sân bay đã giải quyết được, có máy bơm bơm ra, nhưng bên ngoài vẫn đang vướng thì ngập vẫn hoàn ngập.
Do đó, Cảng vụ đề nghị sớm triển khai dự án mở rộng kênh A41 để tránh việc ngập ở phía ngoài và dẫn đến ngập ngược lại trong sân bay. Ngoài ra, ông Mậu cũng đề xuất trước mắt có thể xây dựng hồ điều tiết tại sân bóng Chảo Lửa trong lúc chờ các dự án chống ngập triển khai.
Theo Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, công tác chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ làm nhỏ lẻ, địa phương làm với địa phương và ngành hàng không làm với hàng không, dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Bên trong làm thì bảo là làm xong thoát nước đi đâu, ở ngoài thì cho rằng bên trong chưa làm thì bên ngoài làm làm gì. Từ 2016 đã có các dự án mang lại nhiều kỳ vọng nhưng đến nay tình hình không gì thay đổi.
Nguy cơ ngập ngày càng cao bởi diện tích mặt đất để thẩm thấu, bốc hơi ngày càng ít do nhu cầu mở rộng sân đỗ. Khi mưa lớn thì nước đổ vào cống tăng đáng kể và gây ra nguy cơ tắc và ngập là chắc chắn.
Thậm chí ông Cường cảnh báo về nguy cơ phải sử dụng cầu phao như sân bay Nội Bài đã phải sử dụng những năm trước. Dẫn chứng cụ thể cơn mưa lớn ngày 19/5 vừa qua, tại sân bay Tân Sơn Nhất, xe chở khách không thể tiếp cận tàu bay vì ngập nước.
Ông Cường cho rằng thời tiết năm nay sẽ càng bất thường hơn nên các bên liên quan cần phải thực sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ để không phải nghe cụm từ “giải cứu sân bay” trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ trong Tân Sơn Nhất nếu không có các biện pháp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương và hàng không thì có lẽ trong sân bay chúng ta lại phải chế ra cầu phao di động kết nối từ tàu bay tới nhà ga. Cái này chúng ta không bàn nữa mà phải tập trung làm và phải có lộ trình thời gian quyết liệt và tất cả các cơ quan phải vào cuộc. Chúng ta không chờ nữa, có gì thì phải làm ngay”, ông Võ Huy Cường nói.
Về mục tiêu chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM đề nghị UBND quận Tân Bình cần phải sớm triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kênh A41, khởi công ngay trong năm 2018 này.
Trong thời gian này, quận Tân Bình cần ra quân tuyên truyền, lắp camera giám sát, không chủ quan bởi nếu sơ suất thì sẽ tái diễn tình trạng ngập. Ông Cường cho rằng hiện nay là thời điểm chín muồi để thực hiện bởi đã có quy hoạch điều chỉnh sân bay Tân Sơn Nhất. Các dự án như Phan Thúc Duyện nối dài, Hoàng Hoa Thám đều sẽ tính toán kỹ để đồng bộ.
“Bây giờ là thời điểm chín muồi sau khi Cục hàng không được chủ trì làm quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quy hoạch đó thì quy hoạch bãi đổ, kho hàng hóa, đường lăn ở đâu để kết nối thì nó sẽ ra cái thoát nước. Chúng ta phải hết sức đồng bộ, không thể chủ quan. Trong sân bay chỉ cần nâng cao độ thì hướng thoát nước sẽ khác, lưu vực sẽ khác, nước sẽ đổ về hướng khác”, ông Bùi Xuân Cường cho hay.
Mùa mưa năm nay, các dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ không kịp triển khai. Vì thế, để đảm bảo bài toán chống ngập cho sân bay, rất cần sự vào cuộc nhanh của cơ quan chức năng cũng như ý thức, tự giác cao của người dân trong việc nói không với xả rác xuống kênh, mương thoát nước./.