Chợ San Thàng không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi để bà con nhân dân các dân tộc trong vùng gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.
Chợ phiên San Thàng có tên gốc là chợ Tam Đường đất. Tam Đường trong tiếng của dân tộc tộc Giấy có nghĩa là ngã ba đường. Thời Pháp thuộc, Tam Đường là địa điểm trung tâm nhất của tỉnh Lai Châu ngày nay. Khi ấy, tại Tam Đường có các tuyến đường ngựa thồ nối với các huyện Phong Thổ, Bình Lư, Than Uyên nên bà con các dân tộc trong vùng chọn làn nơi họp chợ, mua bán, trao đổi sản vật.
Theo biến thiên của thời gian, các tuyến đường mới được xây dựng, nên khu vục chợ Tam Đường đất không còn là nơi trung tâm của vùng, bà con lấy tên khu vực họp chợ là bản San Thàng làm tên mới cho phiên chợ cổ xưa này.
Chợ phiên San Thàng họp vào ngày thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần. Từ sáng sớm bà con các dân tộc Lự, Giáy, Mông, Giao, Thái... ở quanh vùng tụ về chợ để mua bán, trao đổi. Trong những bộ quần áo đẹp nhất, người dân mang đến chợ sản vật, hàng nông sản hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống. Trên một khoảng đất khá rộng ngay bên suối San Thàng, chợ phiên càng lúc càng nhộn nhịp, đông vui kéo dài đến tận giữa trưa.
Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện tâm tình. Có lẽ vì vậy những phiên chợ vùng biên ải luôn để lại những ấn tượng khó quên cho những ai một lần có dịp ghé thăm./.
|
Do ở xa, nhiều người phụ nữ dân tộc Mông ở các xã Tả Lèng, Hồ Thầu, Sin Suối Hồ phải đi từ sáng sớm vượt qua một quãng đường dài để mang nông sản xuống chợ trao đổi, mua bán. |
|
Người dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ Sang Thàng. |
|
Những người phụ nữ Mông ôm gà xuống chợ bán. Hàng hóa ở chợ chủ yếu được bà con tự sản xuất và mang đến chợ mua bán. |
|
Người Giấy ở San Thàng nổi tiếng với sự khéo léo trong việc làm những loại mỳ, bánh, bún truyền thống. |
|
Chợ phiên vùng cao thật đặc biệt, ngoài việc mua bán trao đổi hàng hóa, phiên chợ cũng là nơi bà con gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. |
|
Một sạp hàng bán vải của người Giấy tại chợ phiên San Thàng. |
|
Một góc chợ ngập tràn sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục người Mông. |
|
Cũng như tất cả các phiên chợ vùng cao khác, nơi đây không thể thiếu những gian hàng ăn. Chợ San Thàng có món bún chua nổi tiếng, là món ăn ưa thích của người vùng cao. |
|
Bà con các dân tộc nơi đây đến chợ rất mộc mạc, cái mộc mạc ấy được thể hiện trong cách giao tiếp với nhau, và việc mua bán cũng vậy, không mặc cả, thuận thì mua, vừa thì bán. |
|
Hàng hóa ở chợ chủ yếu được bà con tự sản xuất và mang đến bán. |
|
Góc bày bán trang phục thổ cẩm, chỉ ngũ sắc của người Mông. |
|
Vào thời điểm này đang là mùa măng rừng của vùng Tây Bắc. Những người phụ nữ dân tộc Lự bày bán các loại măng như măng tre, măng nứa, măng luồng, măng vầu... |
|
Góc bày bán các loại gia vị của người vùng cao như hồi, ớt bột, mắc khén, hạt tiêu... |
|
Góc bày bán loại ghế gỗ đan mây truyền thống của những người phụ nữ dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường). |
|
Người Giấy ở các xã Bản Giang, Bản Hon (huyện Tam Đường) rất khéo léo trong việc đan lát các sản phẩm gia dụng. Họ thường mang đến chợ phiên San Thàng bán những dụng cụ như giỏ đựng cá, rổ, rá... |
|
Quà cho lũ trẻ của người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Tả Lèng là ôm mía ngọt lịm. |
|
Một người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Sin Suối Hồ mang xuống chợ phiên bán hạt giống dưa mèo. |
|
Một góc chợ phiên San Thàng chật kín người vào phiên chợ đông vui sáng ngày Chủ nhật. |
|
Đi chợ phiên là niềm vui của người vùng cao. Trẻ em thường được mẹ cho xuống chợ phiên San Thàng vào sáng Chủ nhật. |
|
Góc bày bán lợn mán (hay còn gọi là lợn tên lửa) của những người phụ nữ Mông ở chợ phiên San Thàng. |
|
Chợ phiên San Thàng rộn rã, ngập tràn tiếng cười để lại ấn tượng thật khó quên với du khách một lần được ghé thăm nơi này. |