Rèn kỹ năng chống xâm hại cho trẻ em: Đừng nửa vời!
Việc trở thành nạn nhân trong các vụ bạo hành, xâm hại tình dục là điều chẳng ai mong muốn. Thế nhưng, theo các chuyên gia, thay vì né tránh, hoảng sợ, các bậc phụ huynh cần tự trang bị kiến thức cho bản thân và rèn kỹ năng giúp trẻ nhận biết các tình huống rủi ro để kịp thời xử lý hay nhờ hỗ trợ khi gặp nguy hiểm.
Quá trình giáo dục này cần sự phối hợp của cả 3 bên là nhà trường, gia đình và xã hội mới mong đạt hiệu quả thiết thực, tránh kiểu hô hào khẩu hiệu rồi đâu lại vào đó.
Học sinh cần được trang bị kỹ năng phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục một cách thiết thực, thường xuyên |
Theo Thiếu tá, Tiến sĩ Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên trường Đại học An ninh nhân dân TP HCM, không phải đến bây giờ xâm hại tình dục mới xuất hiện, nhưng chính sự dã man trong hành vi cùng tần suất dày đặc khiến nó trở thành vấn đề nóng đáng báo động. Tuy nhiên, dùng bạo lực chống xâm hại chưa bao giờ là cách đúng vì khi chúng ta thể hiện sự bức xúc thái quá, trẻ không được bảo vệ mà đôi khi con gây phản ứng ngược.
“Nhiều phụ huynh và cá nhân trong xã hội đã đưa những dòng bình luận, status để thể hiện sự bức xúc của mình. Việc thể hiện sự bức xúc là đúng nhưng vấn đề mấu chốt là chúng ta thể hiện sự bức xúc đó như thế nào và ở trong giới hạn nào. Việc lựa chọn cách phản ứng, sự tham gia dư luận bằng tinh thần xây dựng, tư duy tích cực thì sẽ góp phần phòng chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em”, Thiếu tá Việt Lâm nêu quan điểm.
Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm cho rằng, bên cạnh việc lên án cái xấu, mỗi gia đình cần có cách bảo vệ, giáo dục con em mình. Xã hội cần có một hệ sinh thái với nhiều giải pháp đồng bộ để giúp trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng tự vệ khi cần.
Nhiều năm làm công tác tư vấn, điều trị về mặt tâm thần cho người bị xâm hại tình dục, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM, cố vấn khoa Tâm Thể- Bệnh viện Thủ Đức cho rằng, cách sai lầm nhất mà nhiều người đang áp dụng là cho đứa trẻ thấy mình đáng thương, tội nghiệp. Càng đau đớn hơn khi việc thu thập chứng cứ đa phần được thực hiện cứng nhắc khiến nhiều nạn nhân và gia đình liên tục sốc tâm lý, chọn cách im lặng. Sau tất cả những mất mát, điều trẻ cần là một môi trường an toàn chứ không phải là phản ứng thái quá và cái nhìn tội nghiệp.
“Trẻ cần được mọi người thương yêu đúng nghĩa chứ không phải là sự tội nghiệp. Chúng ta hãy yêu thương đúng cách là cho trẻ môi trường an toàn bằng cách bảo vệ trẻ, nhắn nhủ hay dặn dò con những cách phòng vệ khi ra ngoài, sao là cách tốt nhất cho bản thân…”, chuyên gia Hoài Yến nói.
Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, cha mẹ giáo dục tại nhà là một chuyện, ở trường, trẻ cần được trang bị kỹ năng và giá trị sống thường xuyên, đặc biệt là những kỹ năng quan trọng như phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục. Học phải đi đôi với hành để hình thành phản xạ. Bởi nếu không thì lý thuyết sẽ trở thành vô nghĩa, nửa vời. Khi rơi vào tình huống xấu trẻ bao giờ cũng hoảng sợ, thậm chí bấn loạn nên không thể nhớ bước 1 là gì, bước 2 nên thế nào…
Để thay đổi tình hình, theo Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhà trường và ngành giáo dục cần thay đổi cách dạy kỹ năng sống, cần tạo nhiều sân chơi, môi trường để trẻ trải nghiệm. Ở đây, giáo viên đóng vai trò quan trọng để gắn kết, giúp các em học sinh nhận biết tình huống, xử lý vấn đề. Những hoạt động chỉ mang tính phong trào, khẩu hiệu cần được loại bỏ, thay vào đó là các chương trình thiết thực, sinh động thì mới thu hút được trẻ tham gia.
Thạc sĩ Lê Thị Hằng nói: “Bộ GD-ĐT cần có chính sách phù hợp và có những cuốn sách mang lại hiệu quả tốt nhất để có thể đưa các môn học đó vào giảng dạy trong nhà trường. Ví dụ như môn học giáo dục giới tính, chống xâm hại, chống bạo lực… để học sinh có được cái nhìn tổng quát về vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng ta cần cho trẻ tham gia các buổi trải nghiệm thực tế để các em thấy được cần thực hành lý thuyết như thế nào”.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở quận 10 cho rằng, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh về vấn đề nhạy cảm này không được nóng vội mà phải thật tinh tế thì mới hiệu quả. Quá trình dài hơi đó cần sự phối hợp nhiều bên chứ bản thân thầy cô hay phụ huynh không thể kham nổi:
“Nhà trường cần tăng cường các buổi đối thoại với phụ huynh và đồng hành cùng phụ huynh trong việc dạy con thời 4.0. Đồng thời nhà trường ngày hôm nay phải dạy luật, phải đưa các tình huống thực tế vào trong bài dạy để học sinh có điều kiện cọ xát. Nếu nhà trường và gia đình làm tốt việc này sẽ giúp đứa trẻ khi trưởng thành có đủ tố chất, yêu cầu nhận dạng các tình huống để phòng ngừa tốt”, ông Thanh Phú cho biết.
Cùng với sự nỗ lực từ nhà trường và các tổ chức, phụ huynh đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ hình thành kỹ năng phòng chống bạo hành, xâm hại. Khi cha mẹ dành thời gian quan tâm và lắng nghe, trẻ sẽ thoải mái chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải. Sự gần gũi trong mối quan hệ gia đình giúp các bậc phụ huynh sớm phát hiện những mối nguy tiềm ẩn để kịp thời can thiệp trước khi sự cố đáng tiếc xảy ra./.