Quốc hội hai nước Việt - Lào chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp quản lý
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sáng nay (7/3), tại Nhà Quốc hội đã diễn ra hội thảo: “Phân cấp quản lý ở Lào và Việt Nam, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội trong phân cấp quản lý ở cấp tỉnh, thành phố và của Chính phủ ở cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hội thảo thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong công tác quản lý nhà nước và là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotou bày tỏ vui mừng được tham dự hội thảo nhân dịp sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội thảo này của Quốc hội Việt Nam.
Đây là chủ đề được hai Quốc hội cùng quan tâm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quản lý hành chính Nhà nước của từng nước trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng là dịp để hai bên trao đổi kinh nghiệm, thông tin và thách thức với việc phân cấp quản lý hành chính Nhà nước ở mỗi nước.
“Việc phân cấp quản lý hành chính Nhà nước có tầm quan trọng trong việc quản lý hành chính Nhà nước năng động, minh bạch hơn, đồng thời dễ dàng hơn cho hoạt động giám sát. Việc phân cấp quản lý Nhà nước ở Lào thời gian qua đã đạt được kết quả nhiều mặt, song vẫn còn nhiều thách thức và cấp bách, phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi phương thức để quy định về phân cấp quản lý rõ ràng, phù hợp với đặc điểm của tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn”, bà Pany Yathotou cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cho biết, việc phân cấp quản lý Nhà nước ở Lào thời gian qua đã đạt được kết quả nhiều mặt. |
Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou hy vọng, qua hội thảo, Quốc hội Lào cùng trao kinh nghiệm trong lĩnh vực này với các đồng nghiệp Việt Nam để làm căn cứ nghiên cứu, củng cố hoặc hoàn thiện văn bản, chính sách.
Đã có 13 tham luận được trình bày tại hội thảo, các đại biểu của Việt Nam và Lào đề cập những vấn đề cụ thể của tổ chức bộ máy nhà nước cũng như kinh nghiệm thực tiễn ở đất nước mình như: Hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam về hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính ở Việt Nam. Hệ thống các văn bản pháp luật của Lào về hệ thống cơ quan dân cử và cơ quan hành chính của Lào. Công tác tham mưu phục vụ hoạt động của các cơ quan dân cử tại Trung ương và địa phương. Kinh nghiệm và thực tiễn phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước tại Viên Chăn…
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nội dung thảo luận phong phú, nhiều ý kiến phát biểu giá trị, nhiều vấn đề được làm rõ, đặc biệt có sự chia sẻ thẳng thắn những thực trạng khó khăn, tồn tại trong công tác phân cấp quản lý.
Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay là Hội thảo lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Quốc hội Lào khóa VIII. Trong tháng 9/2016 vừa qua, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, hai Quốc hội Việt Nam – Lào đã phối hợp tổ chức rất thành công Hội thảo chuyên đề “về quản lý nợ công” ở Vientiane.
“Việc chúng ta phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề đã và đang hướng tới việc hình thành cơ chế thường xuyên, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cũng như theo định hướng hợp tác hai Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, nhất là trong công tác xây dựng và pháp luật. Trên tinh thần đó, tôi hoan nghênh, ủng hộ và đề nghị hai Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp cùng nhau tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên đề khác trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, một vấn đề rất lớn hiện nay đối với Việt Nam là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội.
Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Với những tham luận tại hội thảo này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hai nước tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi đến các cơ quan liên quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân công của mỗi nước.
Đồng thời, hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất giao Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hai nước tiếp tục làm đầu mối cùng với các cơ quan của Quốc hội đề xuất tiếp tục chọn lựa chuyên đề thiết thực, thực chất đóng góp lớn vào hoạt động hiệu quả của Quốc hội hai nước./.