Quảng Bình: Chậm chương trình, học sinh học cả buổi tối để bù tiết
Mưa lũ đã khiến ngành giáo dục Quảng Bình thiệt hại nặng nề, nhiều trường học bị ngập sâu trong nước, các trang thiết bị, dụng cụ học tập bị hư hỏng, tổng thiệt hại gần 150 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phải tạm dừng công tác giảng dạy để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mưa lũ cũng như phục vụ công tác khắc phục hậu quả sau lũ, rất nhiều trường học đã bị chậm chương trình, có trường bị chậm gần 3 tuần học.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều trường học tại Quảng Bình đã bị chậm chương trình. (Ảnh Tiến Thành) |
Tại Trường Tiểu học số 2 An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chỉ từ tháng 9 đến tháng 11, trường này đã bị ngập đến 4 lần, có đợt ngập sâu 2m, ngoài ra mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét đã làm hư hỏng nhiều thiết bị dạy học và hệ thống điện của nhà trường. Việc gián đoạn công tác dạy và học đã khiến học sinh của ngôi trường này bị chậm chương trình đến 16 ngày.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, cô Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy và học cho học sinh cũng như kịp tiến độ chương trình, ngoài việc thêm tiết mỗi ngày, nhà trường còn bố trí dạy bù vào các ngày thứ 7, chủ nhật, thậm chí là cả buổi tối.
Nằm ở vùng trũng của huyện Lệ Thủy, Trường tiểu học số 2 An Thủy bị ngập đến 4 lần. (Ảnh Tiến Thành) |
“Được sự đồng ý và phối hợp giúp đỡ của phụ huynh, với phương châm “nảy mầm, hồi sinh, vươn lên, phát triển từ bùn đất”, ban giám hiệu nhà trường đã động viên các thầy cô và các em học sinh nỗ lực hết mình để bù lại những chương trình học bị chậm. Nhà trường đã bố trí học bù thêm 1 tiết vào các buổi chiều và một buổi vào thứ 7, chủ nhật. Ngoài ra, mỗi tuần nhà trường còn tổ chức ba buổi học tối từ 18h đến 20h, với mong muốn sẽ sớm đuổi kịp chương trình trong học kỳ 1”, cô Thư cho hay.
Với việc phải bù chương trình học bị chậm do mưa lũ, nhiều giáo viên đã không còn thời gian để chăm sóc cho gia đình. Tuy nhiên, vì chất lượng học tập của học sinh, các thầy cô đã nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn, duy trì chất lượng giảng dạy, ngoài ra Trường Tiểu học số 2 An Thủy cũng dừng mọi hoạt động kỷ niệm ngày 20 tháng 11 để tập trung vào công tác khắc phục chậm tiết.
Để chạy lũ, cô Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 An Thủy đã phải cho sổ sách vào bao tải. (Ảnh Tiến Thành) |
“Cũng vì mong muốn kịp chương trình nên chúng tôi phải cố gắng, đồng hành cùng các em học sinh, nhiều lúc dạy buổi chiều xong về nhà chưa kịp ăn tối lại phải quay lại trường để dạy buổi tối, mặc dù rất mệt nhưng để các em học sinh có thể nắm bắt được kiến thức, nhìn thấy các em vui tươi, háo hức khi đến trường như thế chúng tôi cũng thấy vui, không có ngày 20/11 cũng chẳng sao cả”, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học số 2 An Thủy tươi cười chia sẻ.
Với việc học sinh học bù cả buổi tối, Ban giám hiệu Trường Tiểu học số 2 An Thủy đã phối hợp với phụ huynh trong công tác đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn cho các em.
“Chúng tôi đã có cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường, và thống nhất việc đưa đón con đi học vào mỗi buổi tối, ngoài ra cũng đề nghị với các thầy cô phải có phụ huynh đón mới cho các cháu ra về”, anh Lê Quang Nam, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Tiểu học số 2 An Thủy cho hay.
Ngành giáo dục Quảng Bình đang nỗ lực hết sức để khắc phục khó khăn sau lũ. (Ảnh Tiến Thành) |
Không chỉ Trường Tiểu học số 2 An Thủy, nhiều trường học khác tại Quảng Bình cũng đang chậm chương trình học do mưa lũ. Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã bị chậm chương trình. Để khắc phục tình trạng này, Sở đã chỉ đạo các trường chủ động sắp xếp, bố trí công tác dạy bù để đảm bảo chất lượng học tập cũng như theo kịp chương trình, sau 20/11, Sở sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại.
Đồng thời Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng đã có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc không được huy động kinh phí, công sức của phụ huynh và học sinh để tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11./.