Quản lý, bảo vệ bền vững rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc
Nằm trọn vẹn trong khu vực Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, nhiều năm nay, gia đình Ông Nguyễn Mạnh Cường, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, Thành phố Thái Nguyên cũng như nhiều gia đình trông vào một phần đất nông nghiệp trồng lúa và chăn nuôi. Phần đất hơn 2 ha còn lại, ông Cường có trồng thêm cây Keo nhưng theo quy định, khu vực trồng rừng phòng hộ, muốn được khai thác thì rừng phải đảm bảo 5 cấp tuổi (tức là trên 15 năm). Như vậy là việc khoanh nuôi, khai thác và bảo vệ hết sức khó khăn bởi thu nhập của người dân sẽ không đảm bảo nếu theo hạch toán kinh tế và nguồn khoán bảo vệ của Nhà nước giao.
Cũng như các hộ dân trong vùng, ông Cường thường xuyên được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ cây trồng, tuy nhiên việc phát triển kinh tế vẫn còn hết sức khó khăn |
Ông Cường nói “Theo như gia đình chúng tôi thì chúng tôi vừa phải bảo vệ, vừa phải trồng rừng thôi, đến lúc khai thác xong chúng tôi lại trồng cây mới”.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, trăn trở trong công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng của bà con nơi đây, Ông Nông Văn Đoài, người dân cùng xóm ông Cường cho biết “Mỗi năm Nhà nước cũng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 400 ngàn đồng, khoản Nhà nước chi trả còn ít quá, chưa thấm thía gì, đây cũng là động viên nguồn động viên tinh thần cho người dân”.
Hiện nay, tổng diện tích rừng phòng hộ theo dự án xác lập khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc là trên 3.400 ha, nằm trên địa bàn 6 xã gồm: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Phúc Tân (Thị xã Phổ Yên); Lục Ba, Tân Thái, Vạn Thọ (huyện Đại Từ). Trong đó, Rừng trồng phòng hộ là trên 2.800 ha chủ yếu là cây Keo tai tượng và Keo lá chàm, nguồn vốn trồng rừng từ các chương trình dự án như: 327, 661 và do dân tự bỏ vốn ra trồng thời kỳ trước xác lập khu rừng. Tuy nhiên, đến nay, để đảm bảo việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế của địa phương có rừng là hết sức khó khăn. Để đảm bảo việc chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ, Ban Quản lý đã kết hợp cùng với địa phương sở tại lồng ghép chương trình bảo vệ gắn với phát triển cây bản địa địa phương.
Keo lá chàm là một trong những loại cây chủ đạo được người dân trồng trong khu vực |
Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Phúc Trìu, Thành phố Thái Nguyên cho biết “Địa phương cùng Ban quản lý Rừng phòng hộ Bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc là tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân trong công tác phát triển, trồng rừng và bảo vệ rừng, thực hiện tốt cơ chế đồng quản lý, và sẽ thực hiện cơ chế giao khoán cho từng hộ cá nhân trong công tác trồng và chăm sóc, trên cơ sở đó, người dân có quyền lợi nhất định và họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn”.
Theo Phương án, diện tích đất trống chưa có rừng hiện nay ở Hồ Núi Cốc là trên 247 ha. Từ nay đến năm 2020 sẽ trồng các loại cây bản địa gồm các loài: Trám trắng, Trám đen, Sấu, Lát hoa, Dẻ, Lim xanh, Giổi, Chò chỉ, Chò nâu, Thông mã vĩ. Đối với chân đồi và khe có độ ẩm cao, trồng Tre bát độ, Luồng, song mây... Chuyển đổi những diện tích rừng trồng Keo sang trồng cây bản địa đa tác dụng, đảm bảo phát huy tốt chức năng phòng hộ, tạo cảnh quan môi trường . Dự toán kinh phí thực hiện phương án trên gần 90 tỷ đồng, trong đó trồng rừng mới gần 250 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rừng trồng cây Keo sang trồng cây bản địa đa tác dụng là trên 1.300 ha, tổng mức đầu tư trên 73 tỷ đồng.
Theo phương án, từ nay đến năm 2020 sẽ trồng các loại cây bản địa trên khu vực đất trống của Dự án |
Nói về nội dung này, Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc khẳng định “Trong khâu bảo vệ phát triển rừng chúng tôi có chương trình chuyển đổi mục đích cây trồng đa tác dụng, cây bản địa đối với chương trình sử dụng rừng bền vững có sự tham gia của người dân. Trong 2016, đã triển khai trên diện 3 xã được 30ha, chuyển đổi mục đích cây trồng. Chúng tôi khẳng định đây là phương án rất tốt đối với chương trình rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực này”.
Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng là lồng ghép các nội dung đầu tư bảo vệ và phát triển rừng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như các dự án khác để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Phương án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc được thực hiện sẽ tạo ra động lực mới nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tạo ra khu rừng có chức năng phòng hộ tốt, cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội./.