Quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông và giải pháp sản xuất bền vững
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép nói chung và khoáng sản cát sỏi nói riêng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề khai thác cát, sỏi lòng sông, hồ, tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn những bất cập, còn xuất hiện tình trạng khai thác cát sỏi trái phép lòng sông Cầu, dông Công, các suối nhánh ở các huyện, thị xã như: Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, Phú Lương và Đồng Hỷ. Tình trạng này ngoài gây mất trật tự xã hội, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, còn tác động làm ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy, gây xói lở bờ bãi, mất cân bằng tự nhiên, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi đê điều, nhất là trong mùa mưa lũ.
Vấn đề khai thác cát, sỏi lòng sông, hồ tại một số địa phương vẫn còn những bất cập. |
Trước thực trạng đó, các cấp ngành của tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc với nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi dưới lòng sông, qua đó tình trạng khai thác cát sỏi trái phép dọc các sông và các nhánh suối được hạn chế tối đa. Cùng với đó là việc thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này được thuận lợi. Các đơn vị doanh nghiệp được cấp quyền khai thác luôn thực hiện nghiêm các quy định theo Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường. Ông Đỗ Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hiếu Trường cho biết: "Giấy phép cấp đến đâu, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh đến đó, làm trong mốc giới, đảm bảo đúng và đủ, khi khai thác xong là triển khai hoàn thổ luôn cho người dân. Phương tiện vận chuyển và khai thác đều có giấy tờ kiểm định".
Có thể nói, việc phê duyệt phương án quản lý khai thác cát, sỏi tập trung, giao cho các đơn vị có đủ năng lực khai thác là chủ trương hợp lý, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông qua đó nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và khai thác cát sỏi nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Thái Nguyên thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm của các đơn vị được cấp phép và tịch thu phương tiện khai thác của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Nhất là từ sau khi Đề án quản lý tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên triển khai, chính quyền các địa phương đã tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản giữa người dân với chính quyền; giữa chính quyền cấp xã, thị trấn với cấp huyện. Theo đó, đối với những địa bàn xã nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình nhấn mạnh: "Thực hiện Nghị định 23 của Chính phủ, UBND huyện đã đề ra các giải pháp. Thứ nhất là triển khai các văn bản để chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng như các doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân, tới các doanh nghiệp, các xã, thị trấn, các cơ quan ban ngành. Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động hoặc các tổ chức, cá nhân được cấp phép".
Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ 10/4/2020. Để giúp cho công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khai thác cát sỏi được thuận lợi, Nghị định số 23 cũng đã quy định một số nội dung cụ thể chặt chẽ hơn. Theo đó, đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông, nghị định đã quy định việc hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông, nghị định quy định cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác. Bên cạnh đó, các phương tiện tham gia khai thác cũng phải đảm bảo chất lượng kiểm định theo quy định của Nhà nước.
Thái Nguyên đang tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi dưới lòng sông. |
Thái Nguyên đang là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh của cả nước. Do đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng, nhất là cát sỏi đang tăng cao. Việc khai thác cát sỏi tự nhiên vốn đã khó quản lý, bên cạnh đó còn tác động xấu đến môi trường và xã hội còn khiến nguồn nguyên liệu này dần cạn kiệt. Muốn phát triển bền vững, phải cần có những vật liệu thay thế khác. Hiện, Công ty cổ phần Khai khoáng Miền núi đang là đơn vị cung ứng cát không khai thác từ sông, suối. Công ty đang có 2 mỏ là mỏ cát kết tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ và mỏ đá Núi Chuông tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Công suất của cả 2 mỏ này có thể cho ra cả trăm nghìn m3 cát/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi tháng cả 2 mỏ của Công ty chỉ xuất bán được chưa đến 10.000 m3 cát. Mặc dù những sản phẩm này đều được kiểm định và đạt đủ các tiêu chuẩn khắt khe trong xây dựng, nhưng do khách hàng chưa có quen sử dụng nên sản phẩm vẫn chưa tiếp cận được thị trường xây dựng. Ông Tạ Tuấn Khải, Giám đốc Chi nhánh Mỏ đá Núi Chuông, Công ty cổ phần Khai khoáng Miền núi cho hay: "Hai mỏ này có lợi thế. Thứ nhất là những thành phần hạt đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thứ hai là toàn bộ các tạp chất như đất và rác gần như không có. Thứ ba, công tác bảo vệ môi trường, hai mỏ đều đảm bảo được các yếu tố như sạt lở đất...".
Thiết nghĩ, để quản lý tốt hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, suối trên địa bàn Thái Nguyên, ngoài tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, còn cần có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực cho các đơn vị đầu tư vào sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thay thế bền vững. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường./.