Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ có đảo chiều sau trưng cầu ý dân?
Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân Thổ Nhĩ Kỳ về Hiến pháp mới cho thấy, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã giành chiến thắng và nhận được 51,5% phiếu bầu.
Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới được dự đoán là hết sức khó khăn. Ảnh: Reuters |
Cuộc bỏ phiếu này được cho là mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nước và tổ chức châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên khá thận trọng.
Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng, kết quả trưng cầu ý dân phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ quan ngại rằng trong bối cảnh này, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở nên phức tạp hơn.
Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định của đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ, song quan ngại về nội dung Hiến pháp sửa đổi.
Trong khi đó, một quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nêu rõ, cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề của người dân nước này. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân được cho là sẽ khoét sâu những khác biệt giữa các nhà lãnh đạo EU và chính quyền của Tổng thống Erdogan. Ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ cân nhắc họp các quan chức cao cấp của chính phủ để xem xét lại tương lai quan hệ nước này và Liên minh châu Âu (EU).
Ông Erdogan cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các bước đi của châu Âu gần đây nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ: “Họ đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ bằng tất cả các công cụ và phương tiện. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm đối phó với bất cử các cuộc tấn công nào. EU đang yếu dần về quyền lực cũng như về kinh tế”.
Thực tế kết quả trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ với việc người dân nói “ Có” với sửa đổi Hiến pháp cũng là một thông tin không vui mừng với Liên minh châu Âu. Ngay trước cuộc trưng cầu ý dân, một số nước EU đã đưa ra quan điểm của mình.
Chính phủ Đức chính thức thông báo ủng hộ phe nói “không” với sửa đổi Hiến pháp. Áo thậm chí còn đề xuất các cử tri 2 quốc tịch bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp nên bị trục xuất khỏi châu Âu.
Nhiều chính trị gia bảo thủ của EU cũng coi kết quả trưng cầu ý dân ở Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo theo khuynh hướng Hồi giáo bảo thủ này trở thành một nhà độc tài chuyên quyền.
Theo giới quan sát, một trong những yếu tố lớn có thể tác động đến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian tới đó là khả năng khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích nặng nề của các nước EU, vì trước đó một số nước thành viên EU đã cảnh báo sẽ không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên nếu khôi phục án tử hình.
Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định , trong bối cảnh hiện nay, hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên là cần thiết. EU và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi ích chia sẻ cũng như là đối tác đầu tư và thương mại lớn.
Nếu cánh cửa đàm phán gia nhập EU đóng lại với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có thể hướng đến Nga. Đây là một điều bất lợi trong bối cảnh EU đang cố gắng đoàn kết để đối phó với những căng thẳng gia tăng với Nga cũng như một triển vọng không có Anh- một trong những thành viên quân sự quyền lực nhất của khối.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng là thiên đường an toàn cho gần 3 triệu người tị nạn Syria và Thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang mang lại lợi ích đặc biệt cho cả hai bên.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đang cần nhau hơn bao giờ hết, bất chấp việc hai bên có tiếp tục các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU hay không./.