Quan chức Mỹ tiết lộ những gì liên quan đến Tổng thống Donald Trump?
Theo Reuters, ngoài những thông tin liên quan đến ông Trump Giám đốc FBI James Comey và Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ Michael Rogers công bố trong phiên điều trần ngày 21/3 còn hé lộ rất nhiều chi tiết liên quan đến việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, khả năng Nga tiếp tục làm việc này trong các cuộc bầu cử tại Mỹ vào các năm 2018 và 2020.
Giám Đốc FBI Comey và Giám đốc NSA Rogers trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ông Trump không bị nghe lén khi còn ở Tháp Trump
Liên quan đến cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng, người tiền nhiệm Barack Obaam ra lệnh nghe lén ông, Giám đốc FBI Comey tuyên bố: “Trước thông tin trên Twitter mà Tổng thống Trump chia sẻ về việc ông bị nghe lén trong quá trình vận động tranh cử vào Nhà Trắng, tôi vẫn chưa tìm ra bất kỳ thông tin nào có thể xác minh nội dung Tweet này của ông Trump dù chúng tôi đã điều tra rất kỹ trong nội bộ FBI.
Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu tôi gửi lời đến các vị rằng, Bộ Tư pháp cũng có kết luận tương tự sau khi tiến hành điều tra trong nội bộ Bộ Tư pháp và các cơ quan dưới quyền của Bộ này”.
Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes tuyên bố: “Tôi muốn nói rõ rằng, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ thiết bị nghe lén hoặc hoạt động nghe lén nào ở Tòa tháp Trump [trụ sở chính nơi ông Trump thực hiện chiến dịch tranh cử của mình-ND]. Tuy nhiên, vẫn có khả năng ông Trump và các đồng sự của mình bị giám sát trong các hoạt động khác”.
Trong khi đó, khi được hỏi về cáo buộc của ông Trump rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng yêu cầu cơ quan tình báo Anh GCHQ thực hiện việc nghe lén ông Trump, Giám đốc NSA Rogers tuyên bố: “Yêu cầu này rõ ràng đi ngược lại thỏa thuận Five Eyes [liên quan đến việc chia sẻ thông tin với các đối tác trong nhiều thập kỷ qua-ND].
Với tư cách là Giám đốc NSA, tôi có thể khẳng định rằng, không có bằng chứng nào cho thấy chúng tôi tham gia vào những hoạt động như vậy. Cáo buộc của ông Trump rõ ràng đã khiến một trong những đồng minh qua trọng của chúng tôi hết sức thất vọng”.
Nga có cớ để ưu ái ông Trump hơn bà Clinton
Cũng trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Giám đốc FBI Comey thừa nhận, Bộ Tư pháp đã ra lệnh cho FBI tiến hành cuộc điều tra liên quan đến việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ hồi năm 2016.
Cũng theo ông Comey, cuộc điều tra này là một phần trong chiến dịch phản gián của Mỹ. Trọng tâm của cuộc điều tra này bao gồm việc FBI sẽ xem xét các mối liên hệ giữa các nhân viên tham gia chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với quan chức Chính phủ Nga cũng như việc liệu những đối tượng này có phối hợp với nhau để tiến hành can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hay không.
Giám đốc FBI Comey cũng cho rằng, có cơ sở để cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng, Nga đã ưu ái ông Trump hơn đối thủ thuộc Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử nói trên: “Tôi cho rằng, kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ là rất dễ hiểu. Tổng thống Nga Putin ghé bà Clinton để nỗi ông đã quyết định ủng hộ cho đối thủ tranh cử với bà”.
Liên quan đến việc liệu việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ có mang tính quyết định đến cuộc đua vào Nhà Trắng hay không, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff tuyên bố: “Chúng ta sẽ không thể biết được liệu sự can thiệp của Nga có mang tính quyết định hay không.
Tuy nhiên, vấn đề chính lúc này là Nga đã thành công trong việc can thiệp vào bầu cử Mỹ và cộng đồng tình báo cũng đã đưa ra kết luận rằng Nga sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.
Đồng tình với quan điểm này của ông Adam Schiff, Giám đốc FBI Comey khẳng định: “Nga sẽ quay trở lại vào năm 2020 hoặc có thể sớm hơn là vào năm 2018 và một trong những điều mà Nga rút ra từ bài học này là họ sẽ thành công nếu tạo ra được sự hỗn loạn, chia rẽ và nghi kỵ trong lòng nước Mỹ”.
Rò rỉ thông tin mật có từ thời các Tổng thống Washington và Lincoln
Trước thông tin có quá nhiều thông tin mật bị rò rỉ một cách có chủ ý từ các quan chức và cựu quan chức Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Nunes nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra ai để rò rỉ hoặc tạo điều kiện để những thông tin mật của Mỹ bị rò rỉ. Chúng tôi sẽ buộc những cá nhân hoặc tổ chức làm điều này phải đối mặt với công lý”.
Trong khi đó, dù đồng tình với quan điểm của ông Nunes, Giám đốc FBI Comey vẫn lên tiếng cho rằng: “Việc rò rỉ thông tin mật là một vấn nạn đã có từ lâu. Cuối tuần qua, tôi có đọc được thông tin rằng, các Tổng thống George Washington và Abraham Lincoln từng nhiều lần than phiền về điều này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong vòng vài tháng qua, vấn đề này đã trở nên hết sức nghiêm trọng khi hàng loạt các cuộc trao đổi liên quan đến những vấn đề tối mật của quốc gia lại bị trưng lên mặt báo”./.