“Quả đắng” ưu đãi đầu tư: Việt Nam thành “bãi rác thải công nghiệp”
Không chỉ chuyển giá, tránh thuế, nhiều doanh nghiệp FDI còn mang công nghệ lạc hậu vào Việt Nam gây ra những hệ lụy nặng nề đối với môi trường (ảnh minh họa) |
Chính sách ưu đãi thuế bị lợi dụng
Tổng cục Thuế vừa có đề án đánh giá thực trạng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, chính sách ưu đãi thuế TNDN là việc một quốc gia ban hành những quy định về thuế có lợi hơn so với các nước khác nhằm thu hút đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nước phát triển phương Tây thường ít áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN vì cho rằng ưu đãi thuế thường gây méo mó đối với nền kinh tế và dễ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng các chính sách ưu đãi này để giảm nghĩa vụ thuế. Ngược lại, các nước đang phát triển trong đó bao gồm hầu hết các nước châu Á và ASEAN sử dụng biện pháp để thu hút đầu tư.
Tại Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế TNDN đã góp phần thu hút vốn đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Song Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, ở một mặt khác, trong thời gian qua, chính sách ưu đãi thuế TNDN cũng còn bộc lộ các mặt hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu do những hệ lụy từ việc nhận nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo đó, các nước phát triển đầu tư vốn vào Việt Nam thông qua việc chuyển các máy móc thiết bị dây chuyền đã lạc hậu, lỗi thời, biến Việt Nam thành “bãi rác thải công nghiệp”. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư tập trung vào các ngành khai thác tài nguyên, khoáng sản do đó không gây hiệu ứng lan tỏa vốn, phát triển không bền vững.
“Một số dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp gây tàn phá, ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả nặng nề và chi phí khắc phục vô cùng lớn mà phía Việt Nam phải gánh chịu", theo nhận định của ngành thuế.
Đánh giá lại “hao hụt” do ưu đãi thuế
Tại bản đề án này, Tổng cục Thuế cũng cho hay, trong những năm gần đây, đa số các quốc gia trên thế giới đều có những thay đổi về chính sách thuế nhằm thích ứng với quá trình toàn cầu hóa và những thách thức từ sự phát triển của nền kinh tế số. Các nước đã xây dựng các chuẩn mực mới để bảo vệ cơ sở tính thuế và nguồn thu ngân sách.
Dẫn thống kê của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), Tổng cục Thuế cho hay, các giao dịch thương mại nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia hiện chiếm trên 30% giá trị thương mại toàn cầu nên rủi ro trốn, tránh thuế rất cao.
Theo kết quả điều tra của OECD, thất thu ngân sách Nhà nước từ thuế TNDN bằng khoảng 4% đến 10% số thu ngân sách từ thuế TNDN toàn cầu, tức là từ 100 tỷ USD đến 240 tỷ USD mỗi năm.
Hiện Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành rà soát các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế trong nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Và với việc triển khai thực hiện đề án “Đánh giá thực trạng ưu đãi thuế TNDN”, Tổng cục Thuế cho rằng, đây là việc cần thiết và đúng thời điểm nhằm đánh giá đầy đủ về hạn chế của các nội dung quy định của pháp luật có hại, về số thuế “hao hụt” do các chính sách trên so với chuẩn quốc tế hoặc do lợi ích nhóm,...
Theo đó, ngành thuế dự kiến sẽ tập trung xác định số thuế TNDN được ưu đãi của từng DN và đề xuất các giải pháp về chính sách thuế, quản lý thuế và các văn bản pháp luật liên quan.
Theo lộ trình, trong quý III năm nay, cơ quan thuế sẽ thu thập kinh nghiệm quốc tế, đánh giá lại hệ thống văn bản pháp luật, yêu cầu địa phương báo cáo về về việc thực hiện ưu đãi thuế, tổng hợp vướng mắc. Từ đó, xử lý dữ liệu, xác định số thuế được ưu đãi,… sẽ được thực hiện trong năm 2018.
Đến quý IV/2018, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của dự án và triển khai các công việc từ kết quả nghiên cứu trên.