Phụ huynh không cho con ăn ở trường vì mất niềm tin
Vụ việc hàng nghìn gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn do nghi ngờ thực phẩm cung cấp cho trường học không đảm bảo chất lượng vẫn tiếp tục gây hoang mang dư luận xã hội.
Sau sự lo lắng, bất an, nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trường học.
Phụ huynh tại Thuận Thành, Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn. |
Sau khi xuất hiện thông tin thị lợn của trường mầm non Thanh Khương huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn, bà Nguyễn Thị Thêu, ở xã Gia Đông huyện Thuận Thành không cho đứa cháu nội 5 tuổi ăn trưa ở trường vì lo thức ăn không đảm bảo an toàn. Lý do là doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho trường mà cháu của bà đang theo học cũng là doanh nghiệp đã cung cấp thịt lợn cho trường mầm non mầm non Thanh Khương.
Bà Nguyễn Thị Thêu cho biết: “Gia đình tôi bây giờ đưa cháu đi và đón về nhà ăn cơm. Cháu chỉ còn hơn 2 tháng nữa là cháu nghỉ hè, nên bà đành chịu khó vất vả đưa đón 4 lần đi, 4 lần về vậy, không cho cháu ăn ở đấy nữa”.
Không riêng gia đình bà Nguyễn Thị Thêu mà nhiều gia đình khác ở Thuận Thành cũng chọn giải pháp đón về nhà ăn trưa vì lo sợ bữa ăn ở trường không đảm bảo vệ sinh. Dù toàn bộ chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường, nhưng họ không được tham khảo ý kiến về việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm và cũng không thể giám sát chất lượng bữa ăn của trẻ hàng ngày.
Anh Nguyễn Đăng Chất, xã Lãng Ngâm và chị Nguyễn Thị Hà ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tạm thời, chúng tôi không cho cháu ăn tại trường. Chỉ mong muốn làm sao cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét thức ăn có đảm bảo hay không? Bây giờ chẳng biết làm thế nào, phụ huynh không kiểm soát được”.
Theo rất nhiều phụ huynh, để biết chất lượng bữa ăn họ chỉ có thể về hỏi con xem “hôm nay ăn gì?”, chứ phụ huynh không được giám sát. Thức ăn ở đâu là do nhà trường. Tâm lý phụ huynh rất hoang mang, nên không dám cho ăn ở trường nữa. Kể cả nhà trường thông báo đổi công ty cung cấp thực phẩm, phụ huynh cũng không dám cho con ăn vì đã bị mất niềm tin.
Lo lắng của nhiều gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không phải là không có cơ sở bởi một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh.
Dư luận xã hội cũng cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý chất lượng an toàn vệ sinh ở những bếp ăn trường học của các đơn vị liên quan như thế nào.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm trách nhiệm chính là nhà trường. Tuy vậy, hiện ngành chức năng mới chỉ quản lý bếp ăn trường học có đạt các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh, nhân lực, quy trình lưu mẫu thực phẩm... mà chưa chú trọng đến quản lý chặt nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học:
“Điều mà chúng ta phải quan tâm đó chính là thực phẩm hàng ngày từ bên ngoài vào. Tôi nghĩ là phải có cách quản lý chặt hơn nữa. Theo tôi nghĩ, ngoài vấn đề trường sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm lớn nhất thì còn có rất nhiều cơ quan khác cần phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thực phẩm cho trẻ. Trước hết, cơ quan cung cấp thực phẩm tươi sống và các cơ quan chức năng thì rất cần kiểm tra chính những cơ sở cung cấp thực phẩm này. Bởi vì các thầy cô giáo tuy là có trách nhiệm nhưng họ lại không có đủ chuyên môn để có thể thẩm định thực phẩm và họ chỉ có thể thẩm định bằng mắt thường hoặc bằng tay”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), hiện nay các trường tổ chức ăn bán trú đều ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống, hoặc suất ăn đã nấu chín. Các doanh nghiệp đều được các cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh thực phẩm. Khi nhận thực phẩm tươi sống, các trường chỉ có thể kiểm tra dấu kiểm dịch, hoặc dùng các bộ test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm chứ hầu như không có máy móc để kiểm tra.
Ông Phượng nói: “Tất cả các đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường đương nhiên đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu nhà trường cẩn thận thì có thể có kiểm tra độc lập. Các cơ quan chức năng của nhà nước khi chứng nhận thì phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Sau khi cấp giấy chứng nhận cũng phải có kiểm tra thường xuyên, chứ trong một năm không kiểm tra thì những sự thay đổi của họ thì mình không theo sát được”.
Sự việc nhiều gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đón con, cháu về nhà ăn trưa đã cho thấy tâm lý bất an trong việc kiểm soát chất lượng bữa ăn ở trường của con em mình.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học, chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng cần có giải pháp kiểm tra, kiểm soát mạnh hơn đối với các đơn vị cung cấp thực phẩm cũng như việc kinh doanh thực phẩm tươi sống trên thị trường./.