Chủ tịch Quốc hội dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Bắc Ninh
Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Đọc diễn văn kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Ninh là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đối với Đảng và Bác Hồ; đồng thời là dịp để mỗi thế hệ khắc sâu những lời dạy của Người, từ đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bắc Ninh là tỉnh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, nơi phát tích Vương triều nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt. Sinh thời, dù bộn bề việc nước, nhưng Bác Hồ đã dành cho Bắc Ninh tình cảm sâu sắc với 18 lần về thăm tỉnh.
Ngày 13/9/1945, Người về thăm làng Đình Bảng, thắp hương tưởng niệm các Vua nhà Lý và căn dặn: “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu”.
Tiếp đó, chỉ trong năm 1946, Người đã về thăm Bắc Ninh 5 lần. Ngày 4/2/1946, Người về Đình Bảng xem xét địa điểm dự bị họp phiên đầu tiên của Quốc hội Khóa I. Người nói: “Quốc hội họp lần đầu tiên ở đây sẽ là một vinh dự lớn cho Đình Bảng. Cả nước sẽ hướng về Đình Bảng”. Trong các tháng 5, tháng 10, tháng 11, Người về thăm Bắc Ninh, nói chuyện ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám; căn dặn các tầng lớp cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đoàn kết, nâng cao dân trí; thăm hỏi, tặng quà các cụ cao tuổi; đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất và yêu cầu đóng góp, ủng hộ phục vụ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ.
Ngày 17/12/1955, Người về thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất Đoàn Bắc - Bắc tại Đền Đô, làng Đình Bảng. Ngày 5/9/1957, Người về thăm xóm Mai Lâm, xã Mai Lâm và vùng bị lụt tại Bắc Ninh. Trong những lần này, Người đã chỉ đạo rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất và thăm hỏi động viên cán bộ và dân công hàn khẩu đoạn đê vỡ, nhắc nhở mọi người phải tiếp tục tăng gia sản xuất, chú ý chống hạn, chống lụt, chống sâu bệnh, chăm sóc mùa màng và muốn làm được như vậy phải thực hiện đoàn kết và tổ chức đổi công.
Đặc biệt, trong năm 1958, Người đã về thăm Bắc Ninh 4 lần. Dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất, Người căn dặn: Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công.
Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên TW Đảng Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Trọng Đức - TTXVN). |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh, mỗi lần về thăm tỉnh, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo đến mọi mặt của đời sống xã hội; không quên thăm hỏi ân cần các tầng lớp nhân dân; Người căn dặn những công việc cụ thể, nhưng lại có tầm nhìn xa, trông rộng của vị lãnh tụ vĩ đại vì dân, vì nước. Những lời Bác dạy, tuy bình dị, nhưng hết sức ý nghĩa, đã trở thành động lực tinh thần to lớn, động viên Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong suốt những năm qua.
Khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đề ra. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã phát triển năng động, toàn diện, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong top dẫn đầu của cả nước, giành được những thành tựu vượt bậc: kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp tăng trưởng cao, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95%.
Bắc Ninh trở thành “thủ phủ” của đầu tư trực tiếp nước ngoài phía Bắc và là địa phương có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm đầu của cả nước. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được chăm lo tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Bắc Ninh và tuyên dương các điển hình tiên tiến làm theo lời Bác. Với 18 lần được Bác Hồ về thăm, trực tiếp căn dặn, chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là niềm vinh dự, tự hào không phải địa phương nào cũng có được.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. |
Biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong 60 năm làm theo lời Bác, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bước sang giai đoạn mới với nhiều cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen, Bắc Ninh phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, cùng cả nước thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương trọng điểm phát triển kinh tế của phía Bắc và của cả nước, sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Bắc Ninh phải là địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành điển hình của cả nước trong phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, dẫn đầu về triển khai và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng vẫn phải bảo đảm giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của một vùng đất được mệnh danh là vùng đất địa linh, nhân kiệt, sớm trở thành thành phố thông minh hàng đầu của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bắc Ninh không được tự thỏa mãn, bằng lòng với những gì đang có mà phải coi đó là nền tảng, động lực để tiếp tục phấn đấu vươn lên xứng đáng là tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ mong muốn; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh có vị trí quan trọng trong nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển kinh tế phải theo hướng chất lượng, có sức cạnh tranh cao, bền vững, tập trung đầu tư và thu hút các nguồn lực phát triển cho các ngành có lợi thế gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa. Tập trung các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin để sớm đưa Bắc Ninh lên nấc thang cao hơn của một nền công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực phía Bắc.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bắc Ninh phải luôn chú trọng, gìn giữ các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa. Bắc Ninh là quê hương của dân ca Quan họ, loại hình nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn của cả nước. Đây vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển.
Chính vì thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh phải làm mọi cách để biến truyền thống, nền tảng văn hóa lịch sử trở thành sức mạnh để cổ vũ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Kho tàng di sản văn hóa vừa là tài sản vô cùng quý giá, vừa là tiềm năng nội lực về vật chất và tinh thần để tỉnh Bắc Ninh bước vững chắc trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cùng với những thành tựu đạt được sau 60 năm làm theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.