Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Đắk Nông
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh VGP/Đình Nam |
Báo cáo của tỉnh Đắk Nông cho biết tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2016 dự kiến đạt 16.181 tỷ đồng, tăng 6,67%, một số lĩnh vực tăng thấp hơn hoặc vượt không cao so với kế hoạch. Trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng chỉ đạt 7,9%, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung. Lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, khô hạn kéo dài. Hoạt động thương mại, dịch vụ hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân không để xảy ra tình trạng khan hiếm hay tăng giá đột biến.
Tình hình thu hút và xúc tiến đầu tư của Đắk Nông tăng trưởng khá, cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 46 dự án với số vốn trên 1.600 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh chú trọng về hiệu quả, đổi mới về phương thức, tích cực tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình, thủ tục, hồ sơ thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, thống kê trên địa bàn tỉnh cho thấy số DN hoạt động chỉ chiếm 49% DN đăng ký; cải thiện môi trường kinh doanh còn rất hạn chế, tính cạnh tranh yếu, DN đánh giá không cao.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Đắk Nông triển khai tích cực các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội, tổ chức đánh giá các mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng; tiếp tục thực hiện nhiều dự án nhằm ổn định đời sống của các hộ dân di cư tự do, hiện đã có 26.557 hộ dân với 121.738 nhân khẩu được sắp xếp, còn lại 11.282 hộ với 51.324 nhân khẩu.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nổi bật phục vụ nhân dân trong dịp lễ, Tết; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển nhiều thiết chế văn hóa, thể thao công cộng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện số học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh đạt 159.000 em, học tập tại 373 trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nhưng còn thiếu và cần thay thế, xây mới khoảng 200 phòng học, 164 công trình nước sạch và nhà vệ sinh… Đội ngũ nhà giáo chưa bảo đảm cơ cấu chuyên môn, gây tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cục bộ.
Về y tế, vấn đề lớn nhất của của Đắk Nông là tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nguồn nhân lực y tế chưa đồng đều, chất lượng chưa cao. Vì vậy từ y tế tuyến tỉnh đến huyện, cơ sở mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản ban đầu chưa triển khai được những kỹ thuật cao, kỹ thuật khó. Tuy nhiên, thời gian qua ngành y tế Đắk Nông đã có nhiều cải thiện khi số kết dư bảo hiểm y tế không nhiều như những năm trước, công suất phục vụ người bệnh tại BV tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng nhanh, người dân có niềm tin hơn khi khám chữa bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lê Diễn cho biết khó khăn nhất của tỉnh là cơ sở hạ tầng, đặc biệt giao thông là lực cản đối với việc phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó là những hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, dân trí; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong thời gian tới Đắk Nông ưu tiên phát triển về công nghiệp khai khoáng, luyện kim; chuyển đổi mạnh nông nghiệp sang ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển du lịch…
Ghi nhận những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông trong phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các lĩnh vực y tế, giáo dục của tỉnh đạt được những kết quả tương đối tốt so với mặt bằng chung ở khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, bên cạnh những lợi thế, Đắk Nông cần nhận diện rõ những khó khăn để có hướng tháo gỡ.
“Đối với địa bàn như Đắk Nông, việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng cần khẩn trương nhưng không vội. Cái gì chưa chín muồi để làm thì chuẩn bị, kể cả lợi thế địa lý, khoáng sản, cây nông nghiệp… Chúng ta phải làm từng bước” Phó Thủ tướng nói và gợi ý về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước khai thác tiềm năng du lịch dựa trên di sản, văn hóa, lợi thế thiên nhiên để thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự.
Phó Thủ tướng lưu ý, điểm rất quan trọng với Đắk Nông là bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, chăm lo y tế, giáo dục, văn hóa cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm sắp xếp, bố trí người dân di cư có chỗ ở, sản xuất ổn định… Đây là những việc làm thường xuyên, liên tục.
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự khác biệt của giáo dục ở những tỉnh như Đắk Nông không phải là dạy thêm, học thêm hay xã hội hóa mà là thuyết phục người dân cho con trẻ đi học đầy đủ; đầu tư từ bậc mầm non; tập trung cho mô hình nội trú, giữ học sinh không bỏ học, để thời gian các cháu sinh hoạt ở trường dài hơn.
“Tôi rất mừng khi biết tinh thần tiết kiệm của các đồng chí là giáo viên dù giữ chức hiệu trưởng hay hiệu phó cũng trực tiếp đứng lớp”, Phó Thủ tướng nói.
Về y tế, cùng với những kết quả ban đầu, Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh Đắk Nông xem xét nghiên cứu thí điểm mô hình trạm y tế xã thực hiện chức năng "bác sỹ gia đình" là khám chữa bệnh ban đầu và theo dõi, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân tại cơ sở. Ngoài khám, sơ cứu, điều trị bệnh thông thường, trạm y tế xã làm chức năng đấu nối, làm thủ tục, tư vấn cho người dân đi khám chữa bệnh tại tuyến huyện, tỉnh huyện. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước, trạm y tế xã sẽ nhận thêm kinh phí từ Bảo hiểm xã hội dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm, có phương án sử dụng hiệu quả con em đồng bào dân tộc đi học theo diện cử tuyển.
Đối với các kiến nghị khác của của tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho Đắk Nông phát triển.