Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học một là mô hình phòng, chống dịch bệnh động vật tiên tiến và hiệu quả |
Là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Tân Tiến ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình luôn quan tâm đến việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nuôi gà với quy mô lớn nên đòi hỏi hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được lựa chọn nhằm giảm tối đa kháng sinh, sử dụng sản phẩm sinh học, nhờ đó xử lý được mùi hôi và một số mầm bệnh nên đàn gà sinh trưởng tốt.
Ông Bùi Quang Hữu, HTX Gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chia sẻ: "Phú Bình có mật độ chăn nuôi rất dày, chính vì vậy mật độ mầm bệnh cũng nhiều, việc xử lý môi trường là những cái mà chúng tôi đang lo lắng nhất. Đến nay tôi thấy hiệu quả đạt được, thứ nhất là giảm mùi hôi trong chuồng, thứ hai là phân rất là tơi".
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 738 trang trại chăn nuôi, tăng 10,5% so với năm 2020; trong đó có 262 trại lợn, 446 trại gà; đàn trâu, bò duy trì trên 90.000 con… Hầu hết các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đã sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, hướng hữu cơ và đã có 69 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngành nông nghiệp tích cực kết hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, hướng dẫn bà con chăm nuôi an toàn, phù hợp.
Ông Phạm Văn Định, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ: "Mọi tiêu chí của VietGAP đưa ra chúng tôi thấy con gà phát triển tốt, môi trường thì sạch sẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cái tiêu chuẩn VietGAP này cho lứa chăn nuôi tiếp của gia đình ".
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiêp huyện Đồng Hỷ: "Các hộ chăn nuôi tham gia mô hình có sử dụng men hữu cơ sinh học kết hợp với trấu để tạo đệm lót tơi xốp và nhanh phân hủy, và với lợi ích của việc này thì các hộ tham gia mô hình đã tiết kiệm được công, nước và thời gian chăm sóc cho đàn vật nuôi".
Cả tỉnh đã có 69 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP |
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học một là mô hình phòng, chống dịch bệnh động vật tiên tiến và hiệu quả, tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại trong chăn nuôi. Đồng thời mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi có các chương trình, mô hình hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trên bàn tỉnh Thái Nguyên, chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Hỗ trợ đệm lót sinh học hay là hỗ trợ cho các hộ sử dụng các chế phẩm sinh học. Xây dựng các cửa hàng giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học".
Theo Đề án phát triển nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, số trang trại chăn nuôi lợn và gà tăng bình quân 5%/năm. Để ngành chăn nuôi có thể bứt phá, phát triển tương xứng với tiềm năng, cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần quan trọng hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất./.