Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Điểm cầu Thái Nguyên.

Vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay, đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam, với mục tiêu là cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, có thể đạt miễn dịch cộng đồng, tức là khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin COVID-19. Theo Bộ Y tế, để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vắc xin về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.

Theo đó, chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến, với 19 nghìn điểm tiêm. Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Cũng theo kế hoạch, sẽ có 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên. Trong đó, Thái Nguyên thuộc nhóm địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư. Bởi vậy, để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên diện rộng, Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó tập trung triển khai khám sàng lọc cho các đối tượng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị y tế.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai tích cực các biện pháp và xây dựng kế hoạch rất chi tiết để khi có lượng vắc xin cung ứng về là chúng ta sẽ triển khai được ngay, đảm bảo theo đúng thời gian theo quy định. Và quan trọng nhất là chúng ta phải đảm an toàn vắc xin, về đến đâu phải triển khai ngay được đến đó và với phương châm để làm sao số lượng người dân của địa bàn tỉnh được tiếp cận vắc xin sớm nhất và với số lượng lớn nhất".

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Nhiều tập thể, cá nhân tại Thái Nguyên đã ủng hộ tích cực vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn eo hẹp và trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngay sau khi Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được thành lập, phát huy tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm với cộng đồng, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh đã có những hành động và nghĩa cử cao đẹp, tích cực ủng hộ quỹ vắc xin bằng những việc làm cụ thể và thiết thực nhất.

Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Hiện nay thì Quỹ vắc xin đã được ủng hộ với số tiền trên 50 tỷ đồng. Ban Thường trực MTTQ tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tiêm vắc xin nếu đến lượt và tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện tiêm vắc xin của các cơ quan đơn vị để đảm bảo cho nguồn vắc xin của chúng ta được tiêm đúng, tiêm đủ và không lãng phí nguồn vắc xin này".

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020, nhưng do nguồn cung vắc xin hạn chế trên toàn cầu, tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn ở mức thấp. Cho đến nay, chỉ khoảng 4% dân số được tiêm vắc xin, trong khi số ca lây nhiễm đang tăng mạnh trong một vài tuần qua. Do đó, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc, có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu, để đảm bảo thành công, chiến dịch phải thực hiện theo nguyên tắc là tổ chức trên quy mô toàn quốc, vắc xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân, nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và công bằng, công khai theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vắc xin”. Thủ tướng cũng mong muốn, trong khó khăn gian khổ, cả hệ thống chính trị càng phải đoàn kết thống nhất, quyết tâm, trên dưới một lòng để chiến thắng dịch bệnh./.