Ông Macron liệu có thể soán ngôi thủ lĩnh của bà Merkel ở châu Âu?
Ông Macron dường như đang muốn làm nên tên tuổi của bản thân như là một vị cứu tinh của châu Âu nhưng Tổng thống Pháp không thể làm được điều đó một mình.
Ông Macron có bài phát biểu quan trọng ngày 26/9/2017 ở Paris. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Macron rõ ràng là người “khéo ăn khéo nói”. Ông rất biết cách thuyết phục những người còn hoài nghi về mô hình và tương lai của Liên minh châu Âu (EU), khiến họ phải xem xét lại quan điểm của mình sau bài phát biểu quan trọng về lịch sử và tương lai của liên minh mà ông chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng.
Tờ DW so sánh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nữ thủ lĩnh kỳ cựu là thế ở châu Âu, có lẽ cũng chưa bao giờ đưa ra được một bài phát biểu như vậy trong cả sự nghiệp chính trị của bà. Đơn giản, một bài phát biểu đầy những ngôn từ hùng biện hoa mỹ không phải là phong cách của nữ Thủ tướng Đức.
Còn ông Macron thì khác. Ông tin vào sức mạnh ngôn từ, và sau tất cả thì đó chính là cách mà nhà lãnh đạo trẻ của đảng Tiến bước (LREM) vươn lên vị trí Tổng thống Pháp.
Tiến bước, nhưng là đi đâu?
Ông Macron không chỉ muốn nước Pháp tiến lên. Trong bài phát biểu ở Sorbonne, Paris, ông đã vạch ra lộ trình chi tiết cho tương lai của cả châu Âu. Với việc làm như vậy, Tổng thống Macron cho thấy ông rất quan tâm tới việc đảm bảo rằng, ai cũng có thể tìm thấy điều gì đó liên quan tới họ trong bài phát biểu này.
Thông điệp về việc cần thiết phải củng cố bảo trợ xã hội và đoàn kết là nhằm vào người Pháp. Còn đánh giá của ông rằng các nước châu Âu cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ đường biên giới chung của khối một cách hiệu quả và giảm số người nhập cư là nhằm ngăn chặn tư tưởng bài ngoại.
Ông muốn khôi phục chính sách chung về nhập cư và chính sách với những người tìm kiếm cơ hội nhập cư nhưng đã bị từ chối. Cần phải lưu ý tới một chi tiết không hề nhỏ ở đây là Tổng thống Pháp biết chính xác rằng, có những nỗi sợ đang thổi bùng ngọn lửa cực hữu ở châu Âu. Và về vấn đề này, với một con mắt liếc qua kết quả bầu cử hôm 24/9 ở Đức, ông Macron nói khéo với Berlin rằng: “Tôi không bao giờ nghĩ quá khứ sẽ quay trở lại”.
Xét trên khía cạnh nào đó, lộ trình mà ông Macron vạch ra cho nước Pháp và EU hơi giống “một nồi lẩu chính trị thập cẩm” bởi nó đề cập hầu hết mọi cải cách đã được đề xuất và thảo luận ở châu Âu trong những năm gần đây. Ví dụ như lực lượng phòng thủ chung, một vấn đề mà kể từ sau Brexit (Anh rời khỏi EU) bỗng trở nên khả thi hơn và nền tảng cho lực lượng này dự kiến sẽ được quyết định trước dịp Giáng sinh tới.
Ông cũng ca ngợi ý tưởng đánh thuế số (digital tax), một chủ đề các bộ trưởng tài chính EU đang tranh luận khá sôi nổi, theo đó trong tương lai, các công ty internet lớn sẽ phải trả thuế tại đất nước là lợi nhuận của họ được sinh sôi. Ông Macron muốn châu Âu có một cơ quan về đổi mới, muốn định hình tương lai số, mở cửa thị trường năng lượng, bảo vệ an ninh nông nghiệp và lương thực…
Tựu chung, bài phát biểu của ông Macron ngày 26/9 là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa những kế hoạch cải cách lớn và những bước tiến nhỏ có thể tạo cảm giác dễ thành công.
Đối thoại với Berlin
Ông Macron không thể không nhắc tới Berlin trong kế hoạch tương lai cho EU. Tổng thống Pháp chúc mừng Thủ tướng Đức Angela Merkel về chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24/9, trong khi ý thức rõ rằng, sau cuộc bầu cử cùng ngày ở Pháp, vị thế của ông đang trở nên yếu hơn ở châu Âu, cùng chung số phận như bà Merkel. Ông Macron thể hiện sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel trong cuộc chiến với phe cựu hữu có lẽ bởi bản thân ông cũng đã nếm trải điều tương tự trong cuộc chiến với đảng Mặt trận quốc gia Pháp (FN) theo chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Ông Macron cũng nói về Eurozone, dù không nhiều, cho rằng khu vực này cần phải có ngân sách chung, phải tránh xa những cú sốc kinh tế và ở giai đoạn đầu, điều này nên dựa trên nền tảng thuế số (digital tax) mới. Tất nhiên, ông cũng muốn có một bộ trưởng chịu trách nhiệm giám sát khu vực đồng tiền chung.
Tổng thống Pháp hẳn đã nhận ra rằng không có quá nhiều tiến bộ cần phải đạt được trong những vấn đề trên khi mà đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với giới kinh doanh đóng vai trò nhất định trong công cuộc hình thành chính phủ liên minh hứa hẹn nhiều gian nan ở Berlin. Giờ đây, khi cuộc bầu cử ở Đức đã kết thúc, FDP hiểu rằng đảng này cũng nên chìa cánh tay ra với Tổng thống Pháp Macron để ông có ít nhất là một chút thành công. Bởi nếu ông thất bại, những người cổ xúy thị trường tự do cũng chẳng còn gì nhiều để bảo vệ.
Macron – “ông vua” mới của châu Âu?
Bài phát biểu tại Paris ngày 26/9 đã được soạn thảo rất rõ ràng và kỹ lưỡng. Những vấn đề thực sự gây tranh cãi đã được làm lu mờ trước hàng loạt kết hoạch cải cách. Sẽ có những tiến bộ ở một vài vấn đề như quốc phòng, an ninh biên giới, chống khủng bố… Vì thế ông Macron sẽ không có một kết cục “trắng tay” như kẻ bại trận, kể cả khi chỉ có một vài trong số những đề xuất của ông vượt qua quá trình nhào nặn của cỗ máy chính trị khổng lồ ở châu Âu.
Nhưng liệu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể soán ngôi thủ lĩnh của bà Merkel ở châu Âu?
Không thực sự như vây, nhà phân tích người Đức Barbara Wesel bình luận. Theo bà, bởi vì Tổng thống Macron biết rằng ông cần tới kinh nghiệm thực tế cũng như tài năng của bà Merkel để đạt được những thỏa hiệp và giải pháp chính trị khả thi. Không có Thủ tướng Merkel, ông Macron cũng chẳng có nhiều cơ hội thành công.
Nói đi cũng phải nói lại. Ông Macron có những điều mà bà Merkel còn thiếu. Đó là khả năng khơi gợi tinh thần về chủ quyền, sự thống nhất và dân chủ ở châu Âu theo cách mà người dân lắng nghe.
Và giờ đây bộ đội Macron – Merkel chỉ có thể duy trì sức mạnh đáng kể ở châu Âu nếu đứng cạnh nhau./.