Nuôi thỏ theo chuỗi liên kết: Không lo đầu ra
Mô hình liên kết cung ứng nuôi thỏ đã phát triển với sản lượng hơn 3.500con/tháng, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng

Năm 2013, anh Đỗ Quốc Bình ở Phường Lương Sơn, thành phố Sông Công thành lập Hợp tác xã Nông sản Lương Sơn nhằm mục đích liên kết cung ứng các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Năm 2015, Hợp tác xã đã ký hợp đồng mua bán thỏ với Công ty NIPPON ZOKI Nhật Bản. Thỏ xuất chuồng với chỉ tiêu cân nặng từ 2,3kg/con trở lên, giá bán trên 170.000 đồng/con, còn giá bán lẻ ra thị trường dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg.

Anh Đỗ Quốc Bình, Hợp tác xã Nông sản Lương Sơn, thành phố Sông Công, Thái Nguyên cho biết: “Những người tham gia trong hệ thống có đầu vào là giảm, đầu ra là ổn định”.

Hiện nay, Hợp tác xã đang bao tiêu sản phẩm cho 71 hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận tại miền Bắc với sản lượng 3.500 con/tháng. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã có hơn 40 thành viên, doanh thu mỗi năm đạt trên 6 tỷ đồng.

Với mong muốn giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, anh Bình đã chuyển giao miễn phí kỹ thuật chăn nuôi thỏ theo công nghệ Nhật Bản; hỗ trợ, tư vấn xây dựng chuồng trại cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Anh Vũ Đình Bẩy, Tổ 4, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Được anh Đỗ Bình hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra, đầu vào, thanh toán đơn giản, tạo điều kiện cho anh em phát triển”.

Ông Phạm Quang Phúc, Phó Chủ tịch hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 11 chuỗi liên kết; Trong đó, nuôi thỏ là chuỗi liên kết rất hiệu quả. Ngoài liên kết chăn nuôi lợn, trâu bò, gà thì 11 chuỗi này đến 70% sản phẩm đều được bao tiêu, đảm bảo giúp chăn nuôi trong chuỗi của Thái Nguyên sẽ có điều kiện phát triển mạnh”.

Việc liên kết nhóm hộ, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo nên chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, giúp bà con ở địa phương tăng thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình.