Đại diện chính phủ và phe đối lập Syria hôm nay, nối lại các cuộc đàm phán tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Đây là vòng đàm phán thứ 5 dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết khủng hoảng Syria, diễn ra chưa đầy 1 tháng sau vòng đàm phán trước đó kết thúc mà không đạt bất kỳ kết quả cụ thể nào.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng không kỳ vọng nhiều vào vòng đàm phán lần này, nhất là trong bối cảnh tình trạng bạo lực không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Syria.

chinh phu va phe doi lap syria bat dau vong dam phan thu 5 tai geneva

Xung đột vẫn liên tiếp nổ ra ở Syria. (Ảnh: AP)

Theo Liên Hợp Quốc, vòng đàm phán thứ 5 này sẽ tập trung vào 4 vấn đề riêng rẽ gồm: tương lai Tổng thống Assad, sửa đổi Hiến pháp, bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố. Trước khi diễn ra cuộc gặp, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã có chuyến thăm tới một loạt nước có ảnh hưởng trong vấn đề Syria như Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành tham vấn. Vòng đàm phán dự kiến sẽ kéo dài tới hết ngày 1/4 tới.

Tuy nhiên, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình là rất mong mạnh, dù một loạt cuộc gặp trước đó đều kết thúc bằng những thông báo tích cực, nhất là việc các bên thông qua được một lộ trình rõ ràng về những bước thảo luận tiếp theo.

Nguyên nhân một phần là do tình hình trên thực địa không mấy tích cực. Lệnh ngừng bắn mà các bên khó khăn lắm mới đạt được sau trận chiến tại Aleppo đang bị vi phạm ngày càng nhiều. Các vụ đụng độ mới thường xuyên xảy ra với cường độ và quy mô ngày càng lớn, nhất là tại thủ đô Damascus.

Trọng trách đặt trên vai những nước bảo trợ ngày càng khó khăn hơn khi lập trường của các bên ngày càng khó lay chuyển, nhất là khi trận chiến tại Aleppo đã xác định rõ tương quan lực lượng trên chiến trường, với ưu thế đang nghiêng về chính phủ Syria.

Về phía phe đối lập, tới nay họ vẫn đang băn khoăn về lập trường của Mỹ, đồng minh chính của lực lượng này trên các bàn đàm phán quốc tế, kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Người phát ngôn của phe đối lập Syria, ông Wael Alwan mới đây cũng khẳng định lực lượng này sẽ không thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán: “Chúng tôi không lạc quan về vòng đàm phán lần này, bởi những gì diễn ra trên thực địa sẽ có tác động lớn tới lập trường của các bên. Lập trường chính trị của chúng tôi là rõ ràng, đó là một tiến trình chuyến tiếp chính trị”.

Một ngày trước khi diễn ra đàm phán, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết, ít nhất 33 người thiệt mạng khi liên quân do Mỹ đứng đầu không kích trúng vào trường học được dùng làm trung tâm sơ tán cho những người dân gần thành phố Raqqa, miền Bắc Syria.

Trong bối cảnh vụ tấn công có thể làm gia tăng hơn nữa bất đồng giữa các bên liên quan và làm xóa mờ triển vọng về một thỏa thuận hòa bình cho quốc gia Trung Đông này, liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu khẳng định đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vấn đề này.

Từ năm 2014, liên quân do Mỹ đứng đầu đã oanh kích vào các vị trí của IS tại Syria. Hiện lực lượng này đang hỗ trợ chiến dịch đánh đuổi nhóm phiến quân này ra khỏi thành phố Raqqa, trung tâm của cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” của IS.

Phát biểu ngày hôm qua trong cuộc họp đầu tiên của Liên quân quốc tế chống IS dưới thời Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống IS tại Syria nhằm hỗ trợ tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

“Đánh bại IS là mục tiêu số một của Mỹ. Trong khi xác định những hành động tiếp theo tại Syria, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên IS và Al-Qaeda, đồng thời thiết lập các khu vực ổn định tạm thời thông qua các lệnh ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho người tị nạn trở về nhà”, ông Tillerson nói./.