Nợ như "chúa Chổm", Nông trường Sông Hậu xin khoanh nợ và xoá lãi
Nông trường Sông Hậu ước tính sau khi chuyển đổi mô hình, tới năm 2026, đơn vị này sẽ trả hết nợ cho các ngân hàng. |
Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Cần Thơ đã kiến nghị một số giải pháp để xử lý tồn tại về tài chính trong việc chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH Một thành viên.
Xin xóa lãi ngân hàng, cấp bổ sung vốn điều lệ
Theo báo cáo này, thành phố Cần Thơ đã xây dựng và phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển Nông trường Sông Hậu và trình lên các Bộ, ngành Trung ương.
Hiện Bộ Tài chính đã có ý kiến thống nhất với phương án xử lý các khoản nợ của Nông trường Sông Hậu theo hướng khoanh nợ gốc và xóa lãi vay đến thời điểm khoanh nợ gốc để đơn vị này hoàn thành công tác xử lý nợ và chuyển đổi xong mô hình.
Ngân hàng Nhà nước hiện cũng đã báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về việc cho phép khoanh nợ 2 năm cho các khoản vay của Nông trường Sông Hậu tại Vietinbank và Agribank. Đồng thời, xin ý kiến Thủ tướng quyết định về bố trí nguồn ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ cho Nông trường Sông Hậu.
Trong phương án về xử lý tài chính, Nông trường Sông Hậu xin được khoanh nợ gốc và xóa nợ lãi đến thời điểm khoanh nợ gốc tại Agribank chi nhánh Cần Thơ và Vietinbank chi nhánh Cần Thơ với tổng số tiền gần 410 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 150 tỷ đồng và nợ lãi 260 tỷ đồng.
Phần lớn khoản nợ gốc và lãi vay là của Agribank với tổng số tiền lên tới 260 tỷ đồng, phần còn lại 150 tỷ đồng thuộc Vietinbank.
Về kế hoạch trả nợ, Nông trường Sông Hậu ước tính sau khi chuyển đổi mô hình, tới năm 2026, đơn vị này sẽ trả hết nợ cho các ngân hàng. Nguồn trả nợ sẽ trích từ 80-85% lợi nhuận sau thuế của các năm từ 2017-2020 và nguồn khấu hao khoản 3,3 tỷ đồng/năm và từ năm 2021 trở đi, hoạt động dần ổn định, công ty trích 90-95% lợi nhuận sau thuế để trả nợ theo kế hoạch.
Nông trường Sông Hậu cũng cho biết, sau khi chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV, doanh nghiệp có vốn điều lệ 126 tỷ đồng, trong đó nguồn sở hữu sau khi xem xét phê duyệt theo phương án tái cơ cấu được khôi phục là 39,7 tỷ đồng.
“Vốn cấp bổ sung vốn điều lệ 86,3 tỷ đồng. Trong đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp bổ sung 40 tỷ đồng và ngân sách thành phố cấp gần 42,3 tỷ đồng”, báo cáo cho biết.
Ngoài ra, sau khi chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV, Nông trường Sông Hậu cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét xóa lịch sử nợ xấu trên hệ thống CIC, tạo điều kiện giúp công ty có thể giao dịch với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và từng bước đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
7 năm chưa chuyển xong mô hình
Theo lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Nông trường Sông Hậu là doanh nghiệp được tái cơ cấu theo hướng giữ nguyên 100% vốn sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, suốt 7 năm qua, doanh nghiệp này vẫn chưa thể chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV.
Với khoản nợ tồn đọng hàng trăm tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu âm khoảng 254 tỷ đồng, Nông trường Sông Hậu đang bị ngân hàng treo nợ, không giao dịch vay vốn được với tất cả các ngân hàng.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan có liên quan, cụ thể nhất là Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý tài chính của Nông trường Sông Hậu nhưng việc xử lý vẫn chưa được. Vì vây, Nông trường Sông Hậu không có pháp nhân rõ ràng, chưa được công nhận là Công ty TNHH MTV trong khi Luật DNNN đã hết thời hiệu từ tháng 10/2010.
Nông trường Sông Hậu có diện tích đất gần 7.000 ha (diện tích lớn nhất so với các nông trường khác trong cả nước). Đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 1999 với tư cách pháp nhân là DNNN với 100% vốn Nhà nước và do UBND TP.Cần Thơ quản lý. Nơi đây giao khoán phần đất trên cho 2.515 hộ dân sản xuất nông – ngư kết hợp. Đây cũng là nơi nằm trong quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Cần Thơ.
Để hỗ trợ Nông trường Sông Hậu giải quyết khó khăn, giữa năm 2015, UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản xin Chính phủ xóa khoản nợ ngân hàng còn tồn đọng cho nông trường, bởi đất của Nông trường Sông Hậu là đất công, không thể bán để trả nợ cũng không thể cổ phần hóa vì có thể xảy ra tranh chấp. Nếu không được xóa khoản nợ trên và trước tình hình hoạt động thua lỗ trong sản xuất kinh doanh của nông trường thì không đủ điều kiện để chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV.