Những người thủ lĩnh và giấc mơ “đại hùng” phục quốc
Cuộc hội ngộ của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến "nối tiếp truyền thống những cuộc gặp gỡ trong lịch sử của những nhân vật lịch sử của đất nước"

Đầu thế kỷ XX, giữa đêm trường tối tăm, dân chúng rên xiết, lầm than dưới gót giày sắt của thực dân Pháp thì bên song sắt nhà tù Thái Nguyên, cuộc hội ngộ giữa viên Đội khố xanh Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) và người tù chính trị bị án “chung thân cầm cố” Lương Ngọc Quyến đã báo hiệu 1 sự kiện lịch sử trọng đại trên mảnh đất này.

Theo GS Sử học Lê Văn Lan: "Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ để dẫn tới một cuộc khởi nghĩa cực kỳ quan trọng, đáng khâm phục, mà nó còn nối tiếp truyền thống những cuộc gặp gỡ trong lịch sử của những nhân vật lịch sử của đất nước".

Đêm 30/8/1917, đất trời Thái Nguyên rung chuyển, khí thế tựa cuồng phong, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với lực lượng chủ lực là quân lính người Việt trong quân đội Pháp và các tầng lớp dân chúng đã nổ ra. Ngày 31/8, quân khởi nghĩa làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên, tuyên bố thành lập Việt Nam Quang Phục hộin, suy cử Trịnh Văn Cấn làm Quang Phục quân Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Lần đầu tiên lá quân kì 5 sao mang dòng chữ Nam binh phục quốc đã tung bay trên cổng thành. Nghĩa quân phát đi 2 bản hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập với Quốc hiệu là Đại Hùng Đế quốc.

GS Sử học Lê Văn Lan kiến giải về tên nước Đại hùng Đế quốc: "Chữ Đại là Đại cồ Việt từ nghìn năm trước cho đến lúc ấy. Chữ Hùng là thuộc tính thay vào cái tính của dân tộc, của chủng tộc Việt. Còn đế quốc, đúng nghĩa của nó là một quốc gia có Hoàng đế đứng đầu, đó là sự biểu hiện và ghi dấu lại sự trưởng thành của dân tộc".

Cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng, 7 ngày , 2 vị thủ lĩnh đều tự sát để giữ trọn khí tiết. Tuy chỉ giành được độc lập có 7 ngày, giấc mơ phục quốc “ Đại hùng” của 2 vị thủ lĩnh và nghĩa binh không thành, nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 vẫn là điểm son rực rỡ nhất của phong trào yêu nước theo đường lối bạo động trong hai thập niên đầu thế kỷ XX.

Những người thủ lĩnh và giấc mơ “đại hùng” phục quốc
Các thế hệ sau này biết trọng xương máu của ông cha thì phúc lộc đất nước, quê hương mãi còn

Hơn một thế kỷ đã đi qua, từ mùa thu năm 1917, vùng đất Thái Nguyên dù có nhiều đổi thay mạnh mẽ nhưng hào khí từ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên cùng sự hy sinh bất khuất của 2 người anh hùng dân tộc Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến sẽ luôn là một khúc hùng ca, ngân vang trong lòng các thế hệ hôm nay.

Em Nguyễn Phương Nguyên, học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT Chuyên Thái Nguyên mong muốn: "Nếu sau này được trở thành giáo viên dạy môn Lịch sử thì em sẽ chia sẻ đến học sinh của mình biết đến cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên, thể hiện được tinh thần yêu nước cũng như truyền thống đấu tranh của nhân dân Thái Nguyên, biết đến người anh hùng Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến".

Một điều chắc chắn rằng, các thế hệ sau này biết trọng xương máu của ông cha thì phúc lộc đất nước, quê hương mãi còn. Và Thái Nguyên đang ngời ngời sức sống chính vì phát huy được những giá trị lịch sử ngàn đời bền vững như thế./.