Nhiều rào cản, nông sản an toàn vẫn khó chen chân vào siêu thị
Nông sản an toàn tại các siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đức Duy/Vietnam+) |
Nhu cầu thị trường lớn, thậm chí được xác định là hướng đi nâng cao giá trị, song việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi nông dân sản xuất ra vẫn chưa có kênh tiêu thụ ổn định.
Theo các chuyên gia, đây cũng là hệ quả của việc phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
Bấp bênh đầu ra
Nông sản Hòa Bình từ lâu đã được nhắc đến với nhiều sản vật nổi tiếng. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên chất lượng các mặt hàng như cam, bưởi, mía, lợn bản địa, gà đồi, cá Sông Đà... luôn tạo ra sự khác biệt so với nhiều vùng miền khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình), nông sản Hòa Bình hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nhiều nơi đã sản xuất rau quả hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng thuốc sinh học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
Dù vậy, lượng tiêu thụ nông sản an toàn Hòa Bình tại các tỉnh khác còn thấp. Ước tính lượng nông sản an toàn Hòa Bình tiêu thụ tới địa bàn Thủ đô mới chỉ khoảng 20-30% sản lượng nông sản của tỉnh.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa hình thành được nhiều mô hình sản xuất lớn gắn với tiêu thụ. Ngoài ra, người tiêu dùng Thủ đô thiếu thông tin về nguồn gốc nông sản trong khi hệ thống bán, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn còn nhỏ, sản lượng tiêu thụ ít,” ông Nguyễn Hữu Tài nói.
Trong khi đó, nông sản bán tại các chợ truyền thống lại cạnh tranh hơn do lợi thế về giá và hệ thống phân phối.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ toàn bộ quy trình sản xuất của hợp tác xã theo mô hình khép kín từ sản xuất con giống tới giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm... đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng số lượng tiêu thụ còn ít.
“Nguyên nhân là do nhiều người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm an toàn trên thị trường,” ông Long nói.
Các chương trình Xúc tiến thương mại giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thế mạnh của địa phương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Đẩy mạnh liên kết
Với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Trung bình mỗi tháng, Thủ đô tiêu thụ khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm như gạo, gia súc, gia cầm, thủy - hải sản...
Đặc biệt, sức tiêu thụ trong các dịp lễ, Tết luôn tăng từ 5% đến 21% so với các tháng khác, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được từ 30% đến 60% nhu cầu của người dân.
Mặc dù nhu cầu nông sản của thị trường Hà Nội khá cao nhưng chỉ có 20% các loại nông sản, thực phẩm được phân phối qua hệ thống các siêu thị, 80% còn lại được phân phối, tiêu thụ thông qua hệ thống chợ truyền thống.
Thực tế này theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội là do chất lượng của nhiều mặt hàng nông sản còn chưa đảm bảo đúng với tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Trên thực tế, nhiều nông sản được làm ra hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh, chưa có bao bì, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Hơn nữa, để đưa vào các siêu thị và kênh bán lẻ hiện đại, hàng hóa phải trải qua các quy trình kiểm tra rất khắt khe, ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất.
“Khi nhập sản phẩm, siêu thị sẽ kiểm tra nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm dương tính với các chỉ số vượt ngưỡng an toàn thì toàn bộ lượng hàng hóa bị hủy và chấm dứt hợp đồng. Do đó, nông dân, Hợp tác xã cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều,” một đại diện của Big C cho hay.
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, giải pháp quan trọng và cần thiết là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản.
Ông cũng đề nghị hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản dể đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng - Nhà phân phối, qua đó tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn một cách bền vững.
"Cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại cũng như đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển," ông Phú nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về các tiêu chí mua hàng, nhất là tại hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như MM Mega Market, AEON, Big C, Lotte… qua đó cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, tiêu chí, cung cách cung cấp hàng hóa, giúp đẩy mạnh mối liên kết và tiêu thụ hàng hóa./.