Nhạc sĩ Huy Tuấn Nên khai tử những chương trình sống dựa vào scandal
Thời gian gần đây, những câu chuyện chấn động về việc chương trình truyền hình khai thác đời tư của các thí sinh, khiến thí sinh tự tử, … xảy ra liên tiếp. Là người từng có nhiều năm giữ vai trò giám khảo, tuyển chọn cho những chương trình này, anh nhận định thế nào về thị trường chương trình giải trí Việt Nam hiện nay?
Tôi thấy các chương trình giờ đã bão hòa. Tất cả các chương trình đều có chiêu trò để làm nổi bật mình lên để "câu kéo" lượng rating, đây là quy luật cung cầu. Khán giả thích, thì chương trình cung cấp.
Nhưng tôi vẫn nghĩ đó chỉ là bề nổi. Những chương trình có chất lượng chuyên môn cao vẫn sẽ được khán giả yêu thích, và cực kỳ hấp dẫn vì cuối cùng, thứ mà khán giả mong đợi là một sản phẩm chất lượng, những tiết mục hấp dẫn. Còn nếu chương trình dựa trên những thứ màu mè, thì chỉ được một vài vòng đầu, hay mùa đầu thôi.
- Thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng những chương trình nhiều scandal dạng này nên bị "khai tử", hoặc quản lý thật chặt, anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ chương trình nào dựa vào scandal để lôi cuốn khán giả thì chương trình đó chẳng có ý nghĩa gì trên thị trường âm nhạc, chỉ mua vui cho khán giả một vài phút giây nào đó, và tất nhiên những chương trình đó tôi nghĩ nên bị dừng lại.
Nhạc sĩ Huy Tuấn. |
- Ở nước ngoài, American Idol lừng lẫy đã bị "khai tử" sau 20 năm. Vietnam Idol cũng là chương trình thu hút khán giả bởi những câu chuyện khá… nhảm nhí, và có không ít scandal phản cảm như thí sinh quỳ lạy giám khảo để gây cười cho khán giả. Là người cộng tác với chương trình này nhiều năm, ở Việt Nam, Idol liệu đã đến lúc nên dừng lại như một số ý kiến gần đây?
Với một chương trình như Idol, tất cả những sự màu mè, nhảm nhí đều diễn ra ở những tập đầu. Càng về sau, điều lôi cuốn khán giả là những tiết mục xuất sắc của thí sinh và những bài hát hay ở những vòng trong. Suốt từ những mùa đầu đến giờ, Vietnam Idol có rất ít scandal ở các vòng trong.
Sức sống của mọi chương trình đều dựa vào nhân tố mà chương trình đó tìm ra, có những người đó mới lôi cuốn được khán giả.
- Nhưng khán giả cũng đánh giá Vietnam Idol năm nay là một mùa thi rất nhạt, kém sức hút?
Vietnam Idol là chương trình tìm kiếm tài năng dựa trên yếu tố thí sinh, nên cũng như đi làm nông nghiệp vậy, có năm thì được mùa, có năm thì mất mùa, không thể đòi hỏi năm nào cũng tìm ra được một nhân tố "hot".
Nhưng đôi khi chỉ cần một nhân tố hay là đủ. Ví dụ Vietnam Idol 2015, chỉ cần có Trọng Hiếu là đủ. Ở Việt Nam có nhiều chương trình tìm kiếm tài năng trong vòng một năm quá, thì lấy đâu ra nhân tố hay cho cuộc thi phát triển được?
- Vậy theo anh, con số này nên giảm bớt?
Các nhà sản xuất hơi bị tham lam. Họ không có sự chọn lọc, cần đưa cái gì lên, bỏ đi cái gì mà đã cho lên sóng quá nhiều chương trình chưa Việt hóa thật chuẩn. Tôi nghĩ nếu bây giờ chỉ còn một vài chương trình đầu tư tốt hơn thì chất lượng thí sinh sẽ tốt hơn rất nhiều.
Scandal truyền hình thực tế xảy ra liên tiếp, mà thiếu có sự quản lý của các cơ quan chức năng. |
- Rất nhiều chương trình xuất hiện scandal nhưng hiện nay hiếm khi thấy một cơ quan chức năng nào đứng ra cảnh cáo, giải quyết. Theo anh, các nhà quản lý cần có những biện pháp, chế tài nào ?
Tôi nghĩ điều này là rất khó, đôi khi scandal xuất phát từ sự không thành thật của thí sinh về hoàn cảnh của mình, chứ không phải do sự sắp xếp của nhà sản xuất. Các thí sinh thì hiểu rằng, nếu không có tài năng thực sự, để được giữ lại, họ cần là một nhân tố "đặc biệt", nên không ít người "giăng bẫy" nhà sản xuất.
Nhà sản xuất đôi khi còn bị "gánh nạn" vì những mong ước nổi tiếng bất chấp mọi thứ này của thí sinh, vì không đủ thời gian để kiểm tra thật kỹ nhân thân của thí sinh.
- Format chương trình "Khởi đầu ước mơ" do anh vừa sáng tạo ra có vẻ khá thú vị. Anh có thể chia sẻ thêm về format này?
Đây là con đường tắt cho rất nhiều bạn trẻ đang có ước mơ trở thành nghệ sĩ, và thậm chí còn cho những ca sĩ đang
loay hoay trên thị trường âm nhạc chưa tìm được cho mình một tiếng nói riêng, một cá tính riêng. Các bạn sẽ được làm việc với ba producer hàng đầu là Khắc Hưng, Hoàng Touliver và Đỗ Hiếu. Cụ thể về format, tôi nghĩ khán giả có thể tìm đọc, rất hấp dẫn.
Thời gian trước, vai trò của một producer âm nhạc không được coi trọng nhưng gần đây, các nhà sản xuất âm nhạc đã có tiếng nói hơn, góp phần quyết định thành - bại của một sản phẩm âm nhạc, hay lớn hơn là một nghệ sỹ.
Khi xây dựng format cho chương trình, tôi mong các bạn trẻ có cơ hội tìm được nhà sản xuất - người sẽ quyết định phần lớn thành công của người nghệ sĩ, vì dường như cơ hội để họ tiếp xúc với những nhà sản xuất hàng đầu như vậy là rất hiếm.
- Hiện tại, các chương trình tìm kiếm tài năng đều đi tìm một nhân tố hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một nghệ sĩ, và nhà sản xuất âm nhạc chỉ giữ vai trò cố vấn. Nhưng dường như với "Khởi đầu ước mơ", chương trình lại hướng nhiều hơn đến vai trò của producer này, và vai trò của các ca sĩ có vì thế mà mờ nhạt đi, thưa anh?
Thực ra ở chương trình này, vai trò của một producer đang được đưa ra ánh sáng để khán giả có thể hiểu rõ hơn, nhưng nhưng tựu chung lại, đây vẫn là cuộc thi dành cho thí sinh.
Vẫn dựa vào tài năng của ca sỹ là chính yếu. Nếu không có tố chất, năng khiếu giọng hát thì dù producer có giỏi tài năng đến mấy không thể làm nên dấu ấn. Thành công của producer sẽ được đong đếm qua thành công của người ca sĩ.
Sau chương trình, người nhận được nhiều nhất vẫn là ca sĩ khi họ vừa được định hình phong cách, vừa được huấn luyện, và có được một ê-kip chuyên nghiệp nhận làm "gà" nếu có khả năng.
Thành công của một cuộc thi là tìm được "đầu ra" cho "sản phẩm" của mình. Ở Việt Nam có nhiều cuộc thi, Quán quân hay Á quân, thi xong cũng chỉ "để đấy", và chưa chắc được thị trường chấp nhận. Tôi nghĩ cuộc thi này sẽ không gặp phải vấn đề đó.
- Cảm ơn anh về những chia sẻ./.