Nhà giáo người Tày đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Nhà giáo người Tày Nông Thị Loan. (Ảnh: Lệ Thu) |
Sáng kiến trường bán trú dân nuôi
Là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía tây, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 134km theo quốc lộ 34, Bảo Lạc từng là huyện nghèo nhất cả nước với địa hình như một “ốc đảo” giữa bốn bề núi cao vực sâu.
Với đặc thù núi đá 16 xã (trừ Thị trấn) nên trước đây đa phần trẻ em ở huyện Bảo Lạc ngại đến trường vì bụng không no hay phải vượt 5-7 km mới đến được lớp học.
Năm 2012, tin vui đến với hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… ở nơi biên ải khi con em đi học tiểu học, THCS nhà xa trường 4 - 7 km sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền, gạo của Chính phủ từ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg.
Thế nhưng, có tiền, có gạo của Chính phủ, học sinh Bảo Lạc vẫn đi học thất thường, bỏ học giữa chừng, đi học đối phó…
Bấy giờ, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, cô Nông Thị Loan không ngần ngại nhiều lần vượt đường rừng đến nhà học sinh để tìm hiểu. Cô không cầm được nước mắt vì nếp nhà học sinh quá đỗi đơn sơ, chỉ có mấy thùng gánh nước, ít quả khô và khum thóc. Vậy nên khoản tiền, gạo học sinh được hỗ trợ (460 nghìn đồng/tháng, 15 kg gạo/tháng/HS) mà cha mẹ nhận về trở thành… nguồn thu chính của gia đình chứ không thể dành riêng lo cho con ăn học.
Hơn thế, mỗi ngày đến trường, các em phải trèo đèo, lội suối, vượt lũ quét, đội mưa và sương, gió rét cắt da thịt khi mùa đông; cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nạn tảo hôn, có em đi học về đói quá phải tìm trái rừng để ăn… Do số lượng giáo viên và học sinh của các điểm trường lẻ ít, cho nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế. Thiệt thòi hơn cả là học sinh không được tham gia các hoạt động, trò chơi tập thể, không có sự thi đua giữa giáo viên với giáo viên, giữa học sinh với học sinh.
“Trước kia không có trường bán trú, học sinh cấp 2 phải dựng các túp lều cạnh trường, ở nhà có ngô gạo, măng, bí thì mang theo, nhiều em chỉ ăn cơm chấm muối. Khi có chính sách của Nhà nước rồi thấy thực trạng học sinh như thế, tôi đau đáu tìm cách thay đổi”, cô Loan tâm sự.
Nghĩ là làm, nhà giáo người Tày đã đề xuất sáng kiến “Một số biện pháp chỉ đạo tổ chức nuôi dạy HS bán trú ở các trường THCS huyện Bảo Lạc” nhằm góp phần sử dụng tiền, gạo Chính phủ hỗ trợ hơn 3.000 học sinh của huyện hiệu quả hơn.
Những ngày đầu, khó khăn chất chồng. Trường học cấp xã chưa đáp ứng cơ sở vật chất, ký túc xá hầu hết các trường chỉ có chỗ cho 1/2 tổng số học sinh, thiếu nhà công vụ giáo viên, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, nước sinh, chưa có chế độ cấp dưỡng… đảm bảo tổ chức lớp học bán trú. Phụ huynh cũng không yên tâm khi giao tiền, gạo vào tay nhà trường… nên không ủng hộ việc dồn ghép lớp, tổ chức bán trú.
Với sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình trường bán trú, học trò huyện miền núi Bảo Lạc ngày càng có bữa ăn ngon, đủ đầy hơn ngay tại trường. |
Cô Loan lại trực tiếp đến làm việc với chính quyền xã và các nhà trường để tổ chức đoàn cán bộ đến từng thôn, xóm vận động học sinh ra điểm trường chính nhằm tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học 2 buổi/ ngày để nâng cao chất lượng.
Dồn điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng giáo dục
Trong 5 năm vừa qua, cô Loan dốc tâm huyết cho sáng kiến chuyển đổi, dồn các điểm học lẻ tổ chức thành hệ thống trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) nhằm tạo điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất và thu hút học sinh đến trường, giảm tỉ lệ bỏ học. Trưởng Phòng Giáo dục tham mưu cho UBND huyện, đề nghị huyện ưu tiên huy động các nguồn lực sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đủ điều kiện yêu cầu để thành lập các trường PTDTBT. Qua đó, tăng tỉ lệ huy động trẻ đi học từ 80% lên 99%, chất lượng giáo dục tiểu học, THCS tăng dần trong nhiều năm qua, đưa huyện trở thành điểm sáng của tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện quy hoạch dồn ghép lớp.
Trường học ở huyện Bảo Lạc ngày càng khang trang. |
Nhà giáo Nông Thị Loan vui mừng tâm sự, cuối năm 2016, Sở GD&ĐT Cao Bằng tổ chức kiểm tra đánh giá thì huyện Bảo Lạc là một trong 7 huyện được kiểm tra có chất lượng tốt nhất. Phụ huynh miền biên ải ngày nay phấn khởi cho đi học, chọn trường cho các con.
Việc thực hiện quy hoạch lớp bán trú tiểu học và công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Bảo Lạc có nhiều hiệu quả tích cực, đã được Sở GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương, chính vì vậy Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo về quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2015-2020 tại huyện Bảo Lạc (thời điểm tháng 6/2017) để các huyện trong tỉnh tham quan, học tập.
“Khi chúng ta nhiệt tình, có tâm huyết thực hiện các mô hình bán trú thì phụ huynh sẽ rất đồng tình hưởng ứng. Đó là niềm vui, niềm phấn khởi và động lực cho cô cũng như đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên tích cực, nhiệt tình hơn nữa và với mục đích cao nhất tất cả vì học sinh thân yêu”, nhà giáo người Tày bày tỏ.
Học sinh hào hứng với nhiều hoạt động dạy, học, ngoại khóa tại trường. |
Nhờ tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đã tiết kiệm biên chế giáo viên, giảm được kinh phí. Ước tính sau 5 năm thực hiện tiết kiệm 1 khoản kinh phí cho Nhà nước khoảng 50 tỷ đồng.
Cụ thể, quy hoạch trường dân tộc bán trú chuyển đổi 100% trường THCS khó khăn về trường PTDT bán trú (giảm 14 trường). Đối với trường tiểu học sau 5 năm quy hoạch dồn ghép đã giảm được 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp, giảm hơn 140 biên chế giáo viên tiểu học để cân đối bố trí cho các bậc mầm non và THCS. Khi thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ dư thừa phòng học đã chuyển giao làm lớp học mầm non, nhà công vụ giáo viên, nhà văn hóa...
Cô Nông Thị Loan (phải, ngoài cùng) được Bộ GD&ĐT vinh danh vì đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm 2016-2017. |
Với những đóng góp miệt mài cho ngành giáo dục, mới đây cô Nông Thị Loan vinh dự được Bộ GD&ĐT trao Bằng khen Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.
Khi được hỏi về mong ước trong nghề, nhà giáo Nông Thị Loan đáp: “Huyện Bảo Lạc là huyện nghèo biên giới. Tôi mong mỏi Chính phủ duy trì chính sách hỗ trợ học sinh miền núi lâu dài. Đó là điều kiện cơ bản để chúng tôi chuyển đổi trường thành mô hình bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục, để các em học sinh miền núi cơ cơ hội xích gần đến, gần ngang bằng với học sinh miền xuôi”.