Nguy cơ tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Hà Nội rất cao
Kết quả sau nửa năm Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật vỉa hè, lòng đường là nhiều tuyến đường, khu phố trên địa bàn Thủ đô đã phong quang, sạch sẽ. Nếu như trước đây vỉa hè đường La Thành, Giải Phóng, Chùa Bộc, Xuân Thủy… thường xuyên bị chiếm dụng để kinh doanh, trông giữ xe thì nay đã được trả lại cho người đi bộ. Nhiều nhà xưởng, ki ốt, bãi trông giữ xe vi phạm cũng đã được ngành chức năng xử lý, như xung quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình, bãi trông giữ xe hàng nghìn m2 tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Tại các huyện ngoại thành, vỉa hè lòng đường cũng đã giảm tình trạng lấn chiếm, “biến của công thành của tư”. Đơn cử như tại huyện Thanh Trì, các điểm “nóng” về vi phạm ở chợ Văn Điển-đường Tứ Hiệp, khu vực cầu Dậu (xã Thanh Liệt) đã được phá dỡ triệt để.
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Thời điểm trước đường Pháp Vân vào Bệnh viện Nội tiết việc để xe lấn chiếm vỉa hè tràn lan, đến nay huyện đã xử lý triệt để. Về trật tự xây dựng, huyện đã chỉ đạo xử lý dứt điểm 16 trường hợp người dân tự xây dựng ki ốt bán hàng ở khu vực cầu Dậu, xã Thanh Liệt. Hiện chúng tôi đang đề nghị 1 đơn vị lập dự án để trồng cây xanh ở đây để bảo đảm môi trường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN, sau 6 tháng Hà Nội ra quân lập lại trật tự đô thị, vỉa hè lòng đường, không ít tuyến phố đã bị lấn chiếm trở lại. Đó là tình trạng bán hàng ăn tràn lan tại phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), phố Đại Từ (quận Hoàng Mai); vỉa hè lòng đường bị chiếm dụng để ô tô xe máy tại phố Vọng (giáp ranh địa bàn hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân)…
Xe ô tô đỗ dưới lòng đường phố Vọng |
Bà Trần Thị Tâm, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền phường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, nhưng chuyển biến vẫn chưa được bao nhiêu: "Hiện nay tôi thấy công an không đi dẹp thường xuyên như trước. Hơn nữa công an vừa đi khỏi thì người ta lại bày ra bán. Bán nhưng họ không có ý thức, họ lại chìa ra ngoài làm tắc đường, đi về những giờ cao điểm rất tắc, đi không đi nổi".
Để không xảy ra tình trạng “ra quân rầm rộ, sau đâu lại vào đấy”, thực tế từ một số địa phương làm tốt việc chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cho thấy, đó là sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền cơ sở, ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Phạm Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, trong đợt ra quân xử lý vi phạm đô thị, phường Yên Phụ đã phá dỡ hàng nghìn bục bệ, 700 mái che mái vẩy và nhiều điểm lấn chiếm vỉa hè trên phố Yên Phụ, An Dương, Nghi Tàm, nhưng việc tái vi phạm gần như không có. Để giữ được kết quả này, phường thường xuyên đôn đốc lực lượng công an, quản lý đô thị; phối hợp cùng các hội đoàn thể vận động người dân, ký cam kết thực hiện.
Vỉa hè bị lấn chiếm làm hàng ăn. |
Ông Phạm Thành Trung nói: "Trước đây một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về những quy định liên quan đến trật tự vỉa hè lòng đường, nhưng qua các đợt ra quân của phường, đặc biệt là tuyên truyền trên hệ thống truyền thành phường, người dân đã nhận thức sâu hơn. Do đó nhân dân chấp hành tốt hơn. Qua kiểm tra thì trên địa bàn, tình trạng tái vi phạm rất ít".
Không thể phủ nhận những kết quả sau nửa năm Hà Nội ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật vỉa hè, lòng đường, nhưng người dân mong muốn kết quả đó phải được duy trì bền vững. Bởi, có như vậy mới tránh được tình trạng “đầu voi đuôi chuột”./.
Huy Nam/VOV-Trung tâm Tin