Nguy cơ mai một tiếng nói, chữ viết văn hóa dân tộc thiểu số
Gần 15 năm thành lập, CLB Sọong Cô Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ không chỉ chung tay cùng đưa câu hát soong cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mà còn góp phần rất lớn vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Sán Dìu ở địa phương.
Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Sọong Cô là phải dùng tiếng nói Sán Dìu, chính vì vậy việc duy trì, truyền dạy ngôn ngữ cho thế hệ sau này là rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế."
Tuy nhiên, hiện CLB đang thiếu dần đi thế hệ kế cận, thế hệ sau, mấy ai còn biết nói, biết nghe tiếng Sán Dìu.
Bà Âu Thị Phàng, thành viên CLB Soọng Cô Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết:"Việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc Sán Dìu cho thế hệ sau này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Bản thân tôi rất tiếc nếu không truyền dạy được cho thế hệ mai sau thì sẽ bị mai một nét đẹp văn hóa của dân tộc."
Cũng tương tự như ở Tam Thái, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ 90% dân số là bà con dân tộc Nùng Phàn Slình, trải qua những thăng trầm của lịch sử, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng có của dân tộc. Nhưng giờ ít người biết đọc và viết các văn tự cổ. Việc truyền dạy cho thế hệ con cháu cũng không dễ dàng.
Ông Hoàng Văn Toòng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Bản thân tôi cũng có truyền dạy cho con cháu về ngôn ngữ của dân tộc tuy nhiên, việc con trẻ đi học từ mẫu giáo tại các trường nên rất khó truyền dạy cho các cháu."
Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi dân tộc. Để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cần phải coi tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc là di sản văn hóa cần được bảo tồn. Qua đó sẽ góp phần rất lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, gìn giữ cộng đồng 54 dân tộc trên bản đồ dân tộc Việt Nam./.