Người lính quân hàm xanh trích tiền lương giúp học sinh nghèo tới trường
Nâng bước học sinh nghèo vùng biên giới
Bố mất từ lâu, mẹ mất khả năng lao động, chẳng ai có thể nghĩ rằng cô bé La Thị Ngà (bản Tùng Hương, Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) có thể học hết chương trình THPT. Ấy thế nhưng, hiện giờ Ngà đã là sinh viên Khoa Nông học, Trường ĐH Vinh năm thứ 2. “Nếu không nhờ các chú bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Tam Quang thì em không có ngày hôm nay đâu. Đã có lúc vì nhà quá nghèo, em muốn nghỉ học để bớt gánh nặng cho mẹ nhưng các chú động viên cố gắng học, các chú còn cho tiền để đóng nạp, chi phí sinh hoạt… Có như vậy em mới có thể theo học đến ngày hôm nay”, Ngà tâm sự.
Đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An trao số tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo vùng biên giới vượt khó học giỏi. |
Mẹ chết, bố bỏ đi biệt tích, hai chị em Lữ Thị Ly (SN 2001), Lữ Thị Quỳnh (SN 2004, trú tại xã vùng biên Tam Hợp, Tương Dương) từ nhỏ sống với ông bà ngoại. Ông bà cũng già lắm rồi, lo cho chị em Ly ngày 2 bữa cơm sáng – tối cũng là điều quá sức. Nhìn các bạn xúng xính váy áo đẹp tới trường, chị em Ly chỉ biết ngồi nhìn ra cánh rừng ra xa trước mặt, mơ được tiếp tục khoác lên vai cặp sách đến trường như các bạn.
Qua công tác nắm địa bàn, các cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Tam Hợp biết được hoàn cảnh của chị em Ly. Một chiếc thùng gỗ được đặt ngay tại đơn vị, hàng tháng, cán bộ, chiến sỹ của Đồn trích một phần lương bỏ vào thùng rồi dùng số tiền đó hỗ trợ chị em Ly chi phí sinh hoạt và học tập. Con đường học hành được cán bộ chiến sỹ biên phòng nâng bước, chị em Ly mừng lắm.
Ly, Quỳnh hay Ngà chỉ là 3 trong 77 học sinh nghèo vùng biên được bộ đội biên phòng Nghệ An hỗ trợ, giúp đỡ từ chương trình “Nâng bước em tới trường”. “Trước đây, các hoạt động khuyến học như hỗ trợ các cháu nghèo vượt khó học giỏi vùng biên đã được các Đồn biên phòng khu vực đồn trú chân giúp đỡ. Từ kết quả đó, từ năm 2014, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phát động thành một chương trình lớn trong toàn lực lượng.
Riêng trong năm học này, có 77 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi khu vực biên giới được hỗ trợ với mức 500 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra có 20 học sinh người Lào ở các bản khu vực tiếp giáp với các bản, cụm bản, Đồn biên phòng của Nghệ An cũng được tiếp sức từ chương trình này”, thượng tá Trần Đăng Khoa – Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cho biết.
Đồn Biên phòng Na Loi trao số quà cho 2 học sinh được Đồn nhận hỗ trợ tại buổi lễ khai giảng năm học mới. |
Với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, mỗi tháng, cán bộ, chiến sỹ BĐBP Nghệ An ủng hộ gần 50 triệu đồng. Số tiền này được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng. Trong đó 4 chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 8 cháu, mỗi phòng, ban, đơn vị nhận giúp đỡ 2 cháu.
Khuyến học xuyên biên giới
Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng biên giới trên con đường tới trường, BĐBP Nghệ An còn mở rộng các hoạt động khuyến học sang các bản làng nghèo của nước bạn Lào. Nghệ An có 419km chiều dài biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào gồm Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô ly khăm xay. Để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, nhiều cặp bản đối diện, nhiều đồn biên phòng đã tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới của cả hai nước về nhiều mặt, trong đó có công tác khuyến học.
Với sự đóng góp của anh em cán bộ, chiến sỹ, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã xây dựng 1 căn nhà cộng đồng trị giá 1 tỷ đồng ở cụm bản Xiêng Pàn (xã Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn) và 3 căn nhà đại đoàn kết trị giá mỗi căn nhà 60 triệu đồng cho người dân nước bạn. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ 20 học sinh người Lào có hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học để các em có thể tiếp tục tới trường.
Thượng tá Trần Đăng Khoa – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An: “Chương trình “Nâng bước em đến trường” không chỉ hỗ trợ các em học sinh nghèo vùng biên hai nước Việt – Lào mà còn góp phần tạo nguồn cán bộ cho các địa phương. Sau này, chính các em sẽ trở thành những nhân tố cùng lực lượng biên phòng quản lý, bảo vệ an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới”.
Với số tiền được trích từ đồng lương hàng tháng của cán bộ, chiến sỹ, Đồn biên phòng Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An) hiện đang hỗ trợ chi phí học tập cho 4 học sinh, trong đó có Thào May Xi (học sinh cấp 2, trú ở bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào). “Không chỉ bây giờ mà em May Xi đã được anh em Đồn BP Thông Thụ hỗ trợ từ 3-4 năm nay. Ngoài em Xi còn có 1 em học sinh người Lào khác, năm nay em đã học xong chương trình phổ thông.
Bên cạnh đó, trong hai năm 2015, 2016, Đồn đã mở được 2 lớp dạy tiếng Việt cho 70 cán bộ, giáo viên, học sinh nước bạn Lào, 1 lớp tiếng Lào cho đồng bào khu vực cửa khẩu Thông Thụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, thông thương hàng hóa, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế giữa nhân dân hai bên biên giới, thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh vùng biên giới…”, đại úy Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết.
Đồn biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) trao tiền hỗ trợ và nhận đỡ đầu học sinh người Lào. |
Nhờ quỹ học bổng từ chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ đội biên phòng Nghệ An mà Khen Om Peng Phắc Xay (SN 2004, Na Phờn, Viêng Thoong, Bo li khăm xay, Lào) không phải nghỉ học vì nhà quá nghèo. Nhà Phắc Xay thuộc diện đặc biệt nghèo của bản, bố mẹ lại sinh nhiều con nên cái nghèo, cái đói luôn bám riết. Vì nghèo nên bố mẹ Phắc Xay không mấy quan tâm đến sự học của các con nhưng Phắc Xay ham học và học cũng khá.
Mấy lần Phắc Xay định bỏ học nhưng may các chú Đồn biên phòng Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) biết, động viên và hỗ trợ hàng tháng. Số tiền 500 nghìn đối với Phắc Xay mà nói là rất lớn, hơn cả thu nhập hàng tháng của bố mẹ em, nhưng cái lớn nhất đó là tình yêu thương mà các chú bộ đội biên phòng Việt Nam đành cho em và những bạn nhỏ như em. “Em sẽ đi học chăm chỉ và cố gắng học giỏi để các chú bộ đội biên phòng Việt Nam không phải buồn. Học giỏi để sau này còn giúp dân bản mình thoát nghèo nữa”, Phắc Xay cố gắng diễn đạt bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình.