Người dân ở Pleiku phản ứng gay gắt vì công ty xả thải, gây ô nhiễm
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngột ngạt vì phải bịt kín tất cả các lỗ thông gió, ông Nguyễn Văn Sứ (tổ 1, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, khoảng nửa tháng trở lại đây, người dân trong thôn tiếp tục bị tra tấn bởi hoạt động xả khí thải của Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty TNHH 30/4 Gia Lai có trụ sở ở cùng thôn.
Căn nhà của ông Sứ chỉ cách Nhà máy chế biến gỗ chưa đầy 100m nên mỗi khi nhà máy xả khí thải, gia đình ông đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các lỗ thông gió đều bịt kín nhưng vẫn không ngăn chặn được hết khí hại từ nhà máy bay vào nhà, nhất là từ nửa đêm cho đến sáng, khi nhà máy xả thải nhiều nhất.
Công ty TNHH 30/4 Gia Lai tái diễn việc xả khí thải gây ô nhiễm. |
“Ở khu dân cư đông đúc thế này, rồi cạnh trường học cả nghìn học sinh mà lại đặt nguyên một cái nhà máy gây ô nhiễm thì coi thường sức khỏe của nhân dân quá”- ông Nguyễn Văn Sứ bức xúc.
Tháng 6/2017, người dân phường Thắng Lợi cũng đã phản ứng gay gắt Nhà máy chế biến gỗ cao su của Công ty TNHH 30/4 Gia Lai vì hoạt động gây ô nhiễm.
Thời điểm đó, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Gia Lai đã vào cuộc kiểm tra, xử phạt 90 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục hoặc di dời.
Sau đó, công ty này cũng đã cam kết dừng hoạt động và di dời trong quý 4 năm 2017. Thế nhưng, nay tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc, gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền.
Để giải quyết vấn đề, chiều 12/3/2018, UBND phường Thắng Lợi tổ chức buổi đối thoại giữa người dân với đại diện Công ty TNHH 30/4 Gia Lai.
Tại buổi đối thoại, rất nhiều người dân đã phản ứng gay gắt, yêu cầu công ty phải di dời nhà máy chế biến gỗ cao su ngay lập tức.
Bà Hà Thị Hôn (thôn 1, phường Thắng Lợi) nói: “Không biết về kinh tế thì giàu có, lợi lộc đến cỡ nào, mà các anh không nghĩ đến người dân xung quanh sống ra sao. Người dân lao động đi làm cả ngày, tối về lại hít khí nồng nặc, sặc sụa. Bây giờ chúng tôi yêu cầu phải chuyển ngay nhà máy đi, một ngày chúng tôi cũng không thể chịu được”.
Cuộc đối thoại giữa người dân và công ty. |
Cũng tại buổi đối thoại chiều 12/3, ông Nguyễn An, Giám đốc Công ty TNHH 30/4 Gia Lai cho rằng, việc nhà máy chế biến gỗ cao su tái hoạt động là bất đắc dĩ. Thậm chí, ông này đề nghị người dân chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.
“Lý do tại sao nhà máy quay lại như thế này, không phải công ty cậy quyền, cậy thế. Bà con hiểu cho công ty, là từ quý 3 năm 2017 tới bây giờ mới tìm được quỹ đất để di dời nhà máy. Hoạt động kinh doanh mà, không phải nói hôm nay là ngày mai tìm được quỹ đất lớn tương xứng mà không ảnh hưởng môi trường, thì rất khó. Mà gỗ cao su thì bà con biết rồi, để lâu thì nó khô, róc làm không được là hư hại, tổn thất. Cái này cũng đại diện cho công ty tha thiết xin bà con xung quanh không bức xúc mà chấp thuận cho công ty.”- ông Nguyễn An nói.
Ông Nguyễn An (hàng đầu bên trái) tại buổi đối thoại với người dân. |
Về phía chính quyền địa phương cho biết, việc nhà máy chế biến gỗ đã cam kết di dời nhưng nay lại hoạt động là không thể chấp nhận. Bởi lẽ, nhà máy này nằm ngay trong khu dân cư, cạnh trường học, việc xả khí thải ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, nhất là các cháu học sinh.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, phường đang kiến nghị tỉnh, thành phố vào cuộc để có giải pháp dứt điểm di dời nhà máy gây ô nhiễm này.
Việc chế biến gỗ cao su của Công ty TNHH 30-4 Gia Lai gây ô nhiễm nghiêm trọng đến người dân. |
“Trên cơ sở ý kiến nhân dân phản ánh, chúng tôi đã mời công ty sang làm việc và đề nghị công ty khắc phục, chấn chỉnh những khói bụi, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay nhân dân hết sức bức xúc, có thể gây mất an ninh trật tự trên địa bàn", ông Quang cho hay./.