Nghị quyết trúng - Hành động quyết liệt
Phiên họp thứ 47 của UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026 là phiên họp không giấy tờ đầu tiên được tổ chức. |
Lần đầu tiên, 1 phiên họp không giấy tờ được tổ chức, đánh dấu bước khởi đầu trong thực hiện chính quyền số của tỉnh Thái Nguyên. Rõ ràng, việc đổi mới, sáng tạo trong tổ chức, điều hành phiên họp không chỉ giúp tiết kiệm về chi phí, thời gian mà còn tác động trực tiếp tới nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Khi làm một việc nếu chúng ta không tâm huyết, không trách nhiệm, không cầu toàn thì không thành công. Nỗ lực thì chúng ta phải cả hệ thống, còn hành động quyết liệt thì chính quyền các cấp, các sở, ngành phải có trách nhiệm. Con đường động lực là con đường đem lại sự phồn vinh, thịnh vượng cho Thái Nguyên".
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trên hệ thống này, chúng tôi có thể tham gia cuộc họp tại bất cứ vị trí nào nếu tại phiên họp đó mà mình không trực tiếp tham gia cuộc họp được".
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Việc thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong các phiên họp này thì các thành viên có thể kết nối với nhau thuận lợi hơn, cũng như đăng ký phát biểu, biểu quyết cũng thể hiện được chính kiến, cũng như rút gọn được thời gian tham gia ý kiến của các thành viên UBND".
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành bấm nút chính thức khai trương Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên. |
Tâm huyết, trách nhiệm, kiên trì là quyết tâm cao của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên khi thực hiện Nghị quyết Chuyển đổi số của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. Ngoài việc đưa Trung tâm giám sát an toàn thông tin, Trung tâm điều hành thông minh vào hoạt động thì riêng trong quý 1, trên 380.000 văn bản được gửi/nhận trong hệ thống (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi /nhận văn bản; tiết kiệm được khoảng 3.000.000 giờ/1 quý). Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile) để bảo đảm thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành được thông suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là nguồn lực từ xã hội để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi đã tham mưu với tỉnh để làm sao huy động được các nguồn lực xã hội. Cho đến thời điểm này, rất vui mừng nhận thấy rằng có rất nhiều tập đoàn, các doanh nghiệp sẵn sàng mang sức lực của mình để tham gia chuyển đổi số với Thái Nguyên, đó là thành công đầu tiên".
Anh Dương Quốc Mạnh, huyện Phú Bình đến thực hiện 1 số dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Mặc dù, đã khá hài lòng với các dịch vụ công ở mức 3, nhưng khi được cán bộ tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thì với anh, đó là thông tin mà người dân rất cần. Anh Dương Quốc Mạnh chia sẻ: "Sau này, chúng tôi sẽ sử dụng những dịch vụ công mức độ 4 này tại nhà và không phải di chuyển đi xa nữa, sẽ sử dụng trực tiếp, không chỉ tại nhà, tại văn phòng, mà còn tại công ty, đơn vị sẽ tiện hơn rất nhiều".
Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về chỉ số PAPI, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về chỉ số PCI năm 2020. Đó là thông tin vui vừa được công bố. Trong nhiều chỉ số được cải thiện ấn tượng thì chỉ số thủ tục hành chính công và tính năng động của chính quyền địa phương được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất. Đây là kết quả thuyết phục nhất về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh Thái Nguyên, 1 điểm tựa vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, kiên trì, quyết liệt đẩy mạnh chính quyền điện tử, chính quyền số bằng cả tâm, trí và lực./.