Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Đào tạo trẻ vẫn là nhiệm vụ sống còn
Với thể thao, thi đấu cọ xát quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp một VĐV tiến bộ, ai cũng biết như vậy nhưng chính sách chia đều kinh phí cho vài chục môn đã làm thành tích của VĐV dừng lại mà lẽ ra họ có thể tiến bộ rất nhanh.
Đó là thực tế đã xảy ra suốt nhiều năm trước. Đơn cử như năm 2010, 2011, cả bộ môn cờ cũng chỉ được phê duyệt kinh phí có 70.000 USD phục vụ việc tập huấn thi đấu quốc tế, trong khi công tác xã hội hóa lại đang rất hạn chế. Hạn chế về kinh phí khiến cho tiềm năng lớn ở môn cờ vua, kể cả với các tuyển thủ quốc gia, chưa được phát huy, thậm chí phần nào là đang lãng phí.
Ánh Viên là vận động viên trẻ tiêu biểu thu được thành công của Thể thao Việt Nam |
Một minh chứng rõ nhất đó chính là “thần đồng” Nguyễn Ngọc Trường Sơn (một trong 10 kỳ thủ được phong Đại kiện tướng quốc tế trẻ nhất thế giới khi mới 14 tuổi 10 tháng) do không được chăm sóc, đầu tư đến nơi đến chốn, nên nhiều năm qua không để lại những dấu ấn về thành tích ở đấu trường quốc tế.
Không được quan tâm đúng mức cũng là tình cảnh diễn ra ở hầu hết các môn còn lại. Nhiều VĐV, trong đó có cả những gương mặt nổi bật như Tiến Minh (cầu lông), đã phải bỏ tiền túi để ra nước ngoài tập luyện, thi đấu.
Ở môn bơi, 2 tài năng trẻ Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng chủ yếu được 2 đơn vị Đà Nẵng và TP HCM đài thọ, lo kinh phí tập huấn, thuê HLV. Vai trò của Nhà nước là vô cùng mờ nhạt, và giờ thì cả hai VĐV từng có một thời là niềm hy vọng lớn của Việt Nam, đều đã không phát triển được chuyên môn như kỳ vọng.
Đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại thì thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là về công tác xã hội hóa. Chẳng hạn như môn cờ vua nói trên, giờ phát triển phong trào rộng khắp, có nhiều VĐV đạt giải thế giới, châu Á.
Ở môn cầu lông, một vài VĐV như Cao Cường đã được tài trợ tiền tỷ. Đáng chú ý nhất là các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, TDDC, cử tạ, bơi, bắn súng… đang nhận được sự đầu tư tương xứng. Rõ nhất là ở môn điền kinh, VĐV tài năng Lê Tú Chinh đã được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn, như cách đã làm rất thành công với trường hợp của Ánh Viên.
Tất nhiên, thể thao Việt Nam về cơ bản vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng các VĐV trọng điểm đều đã được quan tâm, đầu tư đặc biệt.
Ngành thể thao xác định sẽ đầu tư đúng hướng và không đặt nặng thành tích. Nói cách khách, thể thao Việt Nam sẽ không dàn trải đủ mọi sân chơi từ thấp đến cao như đã làm. Trong khi đó, việc tuyển chọn và đào tạo trẻ được xác định là nhiệm vụ sống còn của một nền thể thao.
Tú Chinh và các vận động viên trẻ điền kinh Việt Nam đang thu được thành công |
Theo dõi sát thể thao trong nhiều năm qua, chúng tôi rất chia sẻ nỗi niềm từ các thất bại có thể nói là liên tiếp trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là những sân chơi lớn như Asiad, Olympic. Đó không đơn thuần chỉ là sự chuẩn bị không kỹ về mọi mặt, chuyên môn kém hay tâm lý yếu, mà chính là lỗi của cả hệ thống. Nhưng ít ra, thể thao Việt Nam đã có những điểm sáng như tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, hay thành công rực rỡ của các môn Olympic ở SEA Games 29 năm 2017.
Năm nay, tại Asiad, ngành thể thao đặt mục tiêu 3 HCV, sau khi chỉ giành được 1 tấm HCV duy nhất ở môn wushu 4 năm trước. Việc hoàn thành chỉ tiêu hay không còn chờ vào những cuộc tranh tài sắp tới, nhưng dù kết quả thế nào, thì sự đầu tư cho các VĐV trẻ vẫn phải được đặt lên hàng đầu, ngay từ bây giờ.
Để đưa thể thao Việt Nam phát triển là cả một quá trình dài. Quá trình đó, phụ thuộc rất nhiều vào khâu tuyển chọn, đào tạo, cơ sở vật chất... Và khi thể thao đã có những thành quả nhất định, bắt buộc phải tiếp tục có chiến lược phát triển hợp lý, mới có thể thúc đẩy thể thao phát triển được.