Tin 24h ngày 8/1/2025
Theo Điều 4, Điều 5 Nghị định 160/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, từ 1/1/2025, có hình thức đào tạo lái xe khác là: Hình thức tự học, hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
* Quy trình phục hồi điểm giấy phép lái xe
Theo quy định trong 1 năm nếu người lái vi phạm bị trừ hết điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông để phục hồi điểm bằng lái.
Chỉ trong tuần đầu tiên của năm mới, nhiều tài xế đã bị phạt tiền và trừ điểm Giấy phép lái xe. Từ năm nay, mỗi Giấy phép lái xe (GPLX) ô tô và xe máy chỉ có 12 điểm. Tùy theo mức độ vi phạm, tài xế sẽ bị trừ từ 2 đến 10 điểm.
Theo quy định, trong 1 năm nếu người lái vi phạm bị trừ hết điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông để phục hồi điểm bằng lái. Những ngày đầu quy định mới có hiệu lực, rất nhiều lái xe nắm khá rõ việc trừ điểm nhưng lại băn khoăn về việc làm thế nào để phục hồi lại điểm GPLX.
Theo quy định, người bị trừ hết 12 điểm GPLX sẽ phải tham gia kiểm tra 2 nội dung, gồm thi trắc nghiệm lý thuyết và thực hành thi lái xe theo sa hình trên máy tính mô phỏng về các tình huống giao thông.
Nội dung kiểm tra này sẽ do Cục CSGT hoặc Phòng CSGT, công an các tỉnh, thành tổ chức, sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm.
Người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng. Còn người có kết quả kiểm tra lý thuyết đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra mô phỏng không đạt thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong thời gian 1 năm. Người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra trước đó.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết vi phạm đã bị trừ điểm thì không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nên vừa có tính chất răn đe lại vừa động viên, giáo dục người dân chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Cũng theo quy định, người có GPLX nếu chưa bị trừ hết 12 điểm có thể rút kinh nghiệm để không mắc lỗi bị trừ điểm trong vòng 1 năm kể từ ngày bị trừ gần nhất thì điểm sẽ được tự động phục hồi.
* Mục tiêu tới năm 2030, mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên dạy bơi, 50% xã/phường có bể bơi
Ngày 7/1, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa phê duyệt chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035, với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng bơi an toàn cho học sinh.
Theo đó, đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên dạy bơi, các tỷ lệ này sẽ tăng lên lần lượt vào năm 2035 và 70% cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng năng lực phòng, chống đuối nước, 85% nhân viên y tế trường học được tập huấn sơ cấp cứu.
Đến năm 2030, 95% cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cá nhân liên quan được truyền thông về phòng, chống đuối nước, đạt 100% vào năm 2035. 70% học sinh được dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước vào năm 2030 và đạt 90% vào năm 2035.
Tối thiểu 20% trường tiểu học và 50% xã/phường có bể bơi vào năm 2030, tăng lên 30% trường và 70% xã/phường vào năm 2035.
Chương trình triển khai tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục trên toàn quốc, tập trung vào cấp tiểu học, trung học cơ sở và cộng đồng dân cư cấp xã do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực thực hiện.
* Supachok đoạt giải Bàn thắng đẹp nhất chung kết lượt về ASEAN Cup
Tiền vệ Supachok Sarachat của ĐT Thái Lan vừa giành giải thưởng Bàn thắng đẹp nhất trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024.
Sau hai ngày bình chọn online trên trang ASEAN United FC, danh hiệu Bàn thắng đẹp nhất trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 đã có chủ nhân.
Theo đó, tiền vệ Supachok Sarachat là người chiến thắng với 85,41% trong tổng số 46.482 lượt bầu chọn. Nguyễn Hai Long xếp thứ 2 với 12,12%. Tiếp theo là Tuấn Hải (2,22%) và cuối cùng Ben Davis (0,25%).
Pha lập công của Supachok được ghi ở phút 64, nâng tỷ số lên 2-1 cho ĐT Thái Lan. Cụ thể, khi Hoàng Đức bị đau và nằm trên sân, thủ môn Nguyễn Đình Triệu đã chủ động ném bóng ra biên để trọng tài xử lý tình huống.
Tuy nhiên, khi trọng tài cho phép trận đấu tiếp tục, ĐT Thái Lan không trả bóng mà ngay lập tức tổ chức tấn công. Supachok đón bóng và ghi bàn trong sự ngỡ ngàng của các cầu thủ tuyển Việt Nam.
Dù ban huấn luyện và các cầu thủ Việt Nam phản đối với đội chủ nhà, trọng tài đã có những trao đổi với đội trưởng đôi bên nhưng không thay đổi tình thế.
Dẫu vậy, "Những chiến binh Sao vàng" đã không bỏ cuộc mà trở lại mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực của các học trò HLV Kim Sang Sik được đền đáp xứng đáng ghi liền hai bàn để đảo ngược thế cờ, giành chiến thắng 3-2 và lên ngôi vô địch AFF Cup 2024 với tổng tỷ số 5-3.
* Bình Dương: Khởi tố đối tượng đánh chết người sau va chạm giao thông
Ngày 8/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã khởi tố Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê An Giang) về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.”
Đối tượng Lê Văn Hiền là người đã ra tay đánh anh N.T.B (40 tuổi, ngụ tại thành phố Bến Cát, Bình Dương) sau va chạm giao thông khiến anh này chết não và tử vong sau hơn 4 ngày điều trị.
Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 30/12/2024, đối tượng Lê Văn Hiền điều khiển xe môtô, xảy ra va chạm với một xe môtô khác do anh N.T.B điều khiển.
Sau khi va chạm, anh N.T.B bị Lê Văn Hiền đánh đập dã man, nằm gục giữa đường.
Anh N.T.B được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu, rồi được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục cấp cứu với chẩn đoán dập não, phải thở máy.
Sau khi anh N.T.B tử vong, đại diện gia đình nạn nhân đã tới cơ quan công an để trình báo sự việc.
Bỏ trốn về quê sau khi đánh đập người khác dã man, Hiền đã ra đầu thú và được Cơ quan điều tra di lý về Bình Dương.
Tại cơ quan công an, đối tượng Hiền cho biết đang làm công nhân tại một nhà máy sản xuất tôn tại Bình Dương.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Hiền vừa tan ca, đang trên đường trở về nhà bằng xe máy thì xảy ra va chạm với anh N.T.B, dẫn đến hai bên cự cãi.
Trong lúc tức giận, Hiền đã lao tới dùng tay, chân, mũ bảo hiểm tấn công anh N.T.B đến khi nạn nhân nằm bất tỉnh thì mới dừng lại và rời khỏi hiện trường.
* Thời tiết ngày 8/1: Không khí lạnh tăng cường gây mưa, lạnh tại Bắc Bộ
Không khí lạnh tăng cường gây mưa, lạnh tại Bắc Bộ. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 8/1, Bắc Bộ sáng sớm có sương mù rải rác, ngày có mưa vài nơi, vùng núi và trung du có mưa rải rác. Nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 19-22 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, đêm không mưa.
Từ đêm 10/1, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường và ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ, một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.
Ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10-13 độ C, vùng núi Bắc Bộ 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 15-18 độ C.
Khu vực Hà Nội trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10-13 độ C.
Trên biển, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, trạm Huyền Trân có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Vùng biển bị ảnh hưởng phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động, sóng biển cao 2-4 m.
Chiều tối và đêm, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6 giật cấp 7-8. Biển động, sóng biển cao 2-3,6 m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường từ đêm 9/1, khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vài nơi. Gió nhẹ. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20-22 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rải rác. Gió nhẹ. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 13-16 độ C, có nơi dưới 10 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C, có nơi trên 22 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; riêng vùng núi và trung du có mưa rải rác. Gió nhẹ. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, vùng núi có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến thành phố Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, riêng phía Nam trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 21-23 độ C; phía Nam 23-26 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.
Nam Bộ có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.
* Động đất Tây Tạng: Số người thiệt mạng tiếp tục tăng nhanh, vượt con số 120
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người bị thương trong động đất tại huyện Dingri, thành phố Xigaze thuộc Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) ngày 7/1/2025. |
Theo số liệu cập nhật mới nhất, cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận ít nhất 126 người đã thiệt mạng và khoảng gần 200 người bị thương sau trận động đất mạnh 6,8 độ làm rung chuyển huyện Dingri, thành phố Shigatse, thuộc khu tự trị Tây Tạng vào sáng 7/1.
Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc cho biết tính đến 18 giờ chiều ngày 7/1, khu vực này đã ghi nhận tổng cộng 150 dư chấn, bao gồm 131 dư chấn dưới 3,0 độ và 19 dư chấn từ 3,0 độ trở lên. Dư chấn lớn nhất được ghi nhận cho đến nay là 4,4 độ, nằm cách tâm chấn của trận động đất chính khoảng 18 km. Bộ chỉ huy khẩn cấp khu tự trị Tây Tạng đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp động đất lên cấp 1 – mức cao nhất.
Ủy ban quốc gia về phòng ngừa, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai của Trung Quốc, cùng với Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp nước này đã cung cấp hơn 130.000 vật phẩm cứu trợ cho khu vực bị ảnh hưởng ở Khu tự trị Tây Tạng, bao gồm máy sưởi, chăn điện và thực phẩm khẩn cấp, để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản của người dân bị ảnh hưởng. Theo CCTV News, trước đó, hai cơ quan này cũng đã phân bổ 22.000 vật phẩm cứu trợ thiên tai quốc gia cho khu vực này.
Theo Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc, hơn 3.400 nhân viên cứu hộ và hơn 340 nhân viên y tế đã được cử đến khu vực bị động đất.
Quân đội Trung Quốc cũng nhanh chóng được triển khai. Theo Thời báo hoàn cầu, Tiểu đoàn quân sự Shigatse của Bộ tư lệnh quân sự Tây Tạng cho biết các đội cứu hộ đã được huy động để tiến về phía tâm chấn. Tiểu đoàn này đang nhanh chóng triển khai nhân sự đến khu vực bị ảnh hưởng để tham gia vào các nỗ lực cứu hộ.
Không quân của Bộ tư lệnh Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng kích hoạt kế hoạch cứu trợ thảm họa khẩn cấp và điều động một thiết bay không người lái để đánh giá tình hình tại tâm chấn. Một máy bay Y-20 đưa sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây đến khu vực bị thiên tai ở Dingri. Đồng thời, nhiều máy bay vận tải, máy bay y tế, trực thăng và lực lượng mặt đất từ lực lượng không quân Bộ tư lệnh Chiến khu phía Tây đã được tập hợp và đang trong trạng thái chờ.
Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAP) Tây Tạng cũng đã được điều động, mang theo nhiều thiết bị cứu hộ khác nhau đến hiện trường vụ động đất. Các video từ hiện trường cho thấy lực lượng này đã giải cứu thành công nhiều người khỏi các tòa nhà bị đổ sập. Hiện tại, các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được tiến hành.
Bộ Tài chính và Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết đã phân bổ 100 triệu nhân dân tệ (13,9 triệu USD) để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ thiên tai ở Tây Tạng. Theo Tân Hoa Xã đưa tin, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc đã phân bổ 100 triệu nhân dân tệ để hỗ trợ phục hồi khẩn cấp sau thảm họa.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và mở “kênh xanh” để chuyển quỹ kho bạc nhằm đảm bảo việc thanh toán kinh phí tại các vùng thiên tai không bị gián đoạn và đảm bảo đầy đủ về nguồn vốn cứu trợ thiên tai được phân bổ kịp thời. Tính đến 18h ngày 7/1, chi nhánh Kho bạc Quốc gia Trung tâm Shigatse đã phân bổ tổng cộng 400 triệu nhân dân tệ (54,6 triệu USD) trợ cấp cứu trợ thiên tai cho các huyện Dingri và Lazi.
Phó Giám đốc Viện Địa chất thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc Xu Xiwei cho biết rằng các nỗ lực cứu hộ ở khu vực cao nguyên Tây Tạng phải đối mặt với những thách thức đặc biệt, trong đó có việc không khí loãng, nồng độ oxy thấp, gây ra tình trạng “say độ cao”. Người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất đang rất cần lều cách nhiệt để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt sau khi nhà của bị sập hoặc không thể sống trong đó.
Tính đến 19h30 ngày 7/1, Hãng hàng không Tây Tạng đã thực hiện tổng cộng 4 chuyến bay cứu hộ và hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ. Hãng này cũng đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt để điều phối tất cả các bên nhằm thông suốt các kênh hỗ trợ cứu hộ và vận chuyển hàng cứu trợ vào Tây Tạng cũng như đảm bảo hàng hóa vận chuyển đến khu vực thảm họa một cách thuận lợi.
Trung tâm Ứng dụng và Dữ liệu vệ tinh tài nguyên Trung Quốc cho biết đã huy động 8 vệ tinh để ghi lại hình ảnh các khu vực bị động đất tại khu tự trị Tây Tạng. Trung tâm dự kiến bố trí thêm nhiều vệ tinh có độ phân giải cao hơn để chụp ảnh nhằm cung cấp thông tin chính xác hơn về tình hình sau động đất
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh nỗ lực cứu hộ toàn diện để cứu người và giảm thiểu thương vong sau trận động đất. Ông cũng kêu gọi nỗ lực ngăn ngừa thảm họa thứ cấp, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và xử lý hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình cho biết điều cần thiết hiện nay là phải tăng cường giám sát động đất và cảnh báo sớm, phân bổ kịp thời nguồn cung cấp cứu hộ khẩn cấp, đẩy nhanh việc sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân nhất là khi đang vào mùa đông
Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã gửi lời chia buồn tới Trung Quốc về trận động đất xảy ra tại Khu tự trị Tây Tạng./.