Ngành may mặc nỗ lực vượt khó trong năm 2020
Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn của tỉnh đã chủ động linh hoạt trong việc tái cơ cấu sản phẩm để thích ứng với thị trường. |
6 tháng cuối năm 2020 là thời điểm ghi nhận sự phục hồi tích cực của ngành may mặc trong nước nói riêng, tận dụng cơ hội và để bù lại khoảng trống về doanh thu của hai quý đầu năm. Trong đó có Công ty cổ phần May Thành Hưng với sự nỗ lực trong việc kết nối, xác lập lại các thị trường tiêu thụ, cùng với đó là duy trì tăng công suất sản xuất đã giúp công ty hoàn thành 70% kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc công ty Cổ phần May Thành Hưng cho biết, mặc dù kết quả không đạt được như kỳ vọng, song đây cũng là con số chấp nhận được khi mà dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới: “6 tháng cuối năm, chúng tôi tập trung toàn bộ năng lực tối đa nhất và khi đơn hàng về thì chúng tôi tập trung vào sản xuất. Với những công ty quá nhỏ, chúng tôi san sẻ đơn hàng để thúc đẩy mạnh... để tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn doanh thu để đảm bảo thiếu hụt của 6 tháng đầu năm”.
Năm 2020, mặc dù vẫn duy trì ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ, tuy nhiên, sản lượng và giá trị các đơn hàng của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phú Lương cũng đã bị giảm đáng kể so với năm trước và chỉ đạt khoảng 65% kế hoạch năm.
Ông Vũ Văn Thường, Giám đốc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Phú Lương chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho nên tình trạng đơn hàng nó khó. Thứ hai là giá cả cạnh tranh giữa các đơn vị trong nước cũng như nước ngoài dẫn đến tình trạng doanh thu không đạt theo kỳ vọng của lãnh đạo công ty đề ra”.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp may mặc đã quyết tâm cố gắng đẩy mạnh tiêu thụ, giảm bớt tồn kho. |
Trước những tác động gián tiếp của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn của tỉnh đã chủ động và linh hoạt trong việc tái cơ cấu sản phẩm để thích ứng với thị trường, như chuyển đổi từ sản xuất những mặt hàng truyền thống sang sản xuất khẩu trang và và các sản phẩm phục vụ ngành y tế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trong từng thời điểm, bởi các doanh nghiệp có quy mô nhỏ rất khó có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG nói về định hướng mới: “Giải pháp của TNG và các doanh nghiệp khác là chúng ta phải tìm những sản phẩm để thích ứng. Tôi nghĩ TNG cũng như các doanh nghiệp khác đều quyết tâm cố gắng thì chúng ta đẩy mạnh tiêu thụ, giảm bớt tồn kho”.
Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần May Thành Hưng thì cho rằng: “Chuyển đổi cơ cấu sản xuất để bù đắp những lỗ hổng đó. Nhưng việc trở tay trong thời gian ngắn đó là rất khó.... Vì thứ nhất là máy móc không đồng bộ. Thứ 2 là không có nguyên vật liệu và không phải là mặt hàng sở trường nên giá trị thu về rất sụt giảm”.
Kết thúc năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của tỉnh đạt 320 triệu đô la, giảm 17% so với cùng kỳ và chỉ bằng gần 80% kế hoạch năm, song hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực chăm lo, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Hồng, Công ty cổ phần May Thành Hưng cho biết: “Được Ban giám đốc quan tâm chăm lo đến đời sống cho anh chị em, tôi thấy mức thu nhập vẫn ổn. Và anh chị em công nhân đều đều an tâm công tác, nỗ lực cố gắng để hoàn thành công việc”.
Với những kết quả đã được khẳng định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, các chuyên gia nhận định ngành may mặc trong nước sớm có tín hiệu mừng của năm 2021. Đó là xu hướng dịch chuyển ngành may mặc có lợi đối với Việt Nam. Cũng theo thông tin từ các doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực, hầu hết các đơn vị đều đã ký kết, xác lập đơn hàng đến hết quý II, năm 2021. Đây thực sự là đòn bẩy để ngành may mặc của tỉnh vượt rào COVID-19, khôi phục đà tăng trưởng trong năm 2021./.