Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng triển khai chương trình tăng lãi suất huy động và các chương trình khuyến mãi nhằm hút vốn, động thái này có thể đẩy lãi suất cho vay đứng trước áp lực tăng trở lại.

Nhiều chuyên gia nhận định, khả năng tăng lãi suất trong năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, bởi mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản và cả áp lực từ thị trường tài chính thế giới…

ngan hang truoc 3 ap luc co the lam tang lai suat

Các chuyên gia nhận định nhiều áp lực có thể khiến lãi suất cho vay sẽ tăng trong năm nay. (Ảnh minh họa: KT)

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã có kế hoạch điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại Ngân hàng Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng mức cao nhất lên 7,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng DongABank cũng vừa tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm, mức lãi suất huy động cao nhất ở 7,55%/năm từ kỳ hạn 18 tháng trở lên.

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích, các ngân hàng thương mại đang chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến từ 18-20% theo chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước.

Sau dịp Tết, với các khoản tiết kiệm nhất định của người dân, của doanh nghiệp nên sẽ là dịp để các ngân hàng hút vốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất có thể tăng lên trong thời gian tới.

“Lãi suất đầu ra cho vay thì lại có nhiều áp lực phải tăng lên. Ví dụ áp lực lạm phát năm nay của Việt Nam chắc chắn khoảng 4,5-5% so với cùng kỳ, còn tính bình quân thì cũng có thể đạt được mức dưới 4% như Chính phủ đang có kế hoạch. Áp lực thứ 2 là tăng lãi suất từ bên ngoài, cụ thể là thị trường Mỹ, lãi suất đồng USD tăng lên cũng tạo áp lực về tăng lãi suất tại thị trường Việt Nam. Định hướng tín dụng tăng trưởng 18-20% thì hệ thống Ngân hàng thương mại cũng phải chuẩn bị nguồn vốn, họ có thể có nhu cầu cần phải tăng huy động đầu vào để đủ nguồn vốn cho vay” ông Cấn Văn Lực nhận định.

Theo quy định của Thông tư số 06, năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại bắt buộc phải giảm từ 60% xuống 50%. Để duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn…

Ngoài ra, lạm phát tiếp tục chịu áp lực gia tăng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần duy trì độ rộng hợp lý cho lãi suất tiền Việt Nam so với USD, và động thái mới là Cục dự trữ liên bang liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ điều chỉnh lãi suất 3 lần trong năm có thể làm áp lực tăng lãi suất của Việt Nam trong năm nay. Như vậy, dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện chưa thể biết một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ đi về đâu trong năm nay và chính sách tiền tệ của họ sẽ thế nào? Liệu rằng Ngân hàng Liên bang Mỹ có tăng lãi suất trong năm nay với tần suất bao nhiêu và khi nào tăng lãi suất? Vì thế, với những yếu tố trong và ngoài nước, năm nay có khả năng lãi suất huy động sẽ tăng lên vào khoảng 1%, Đây là dự báo tại thời điểm này, còn 10 tháng nữa chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình thế giới để có cái dự báo chính xác hơn. Nhưng có thể nói, mặt bằng lãi suất sẽ tăng vào khoảng 1%”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự đoán.

Từ ngày 15/3 tới, Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của người vay; trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn, giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay./.