Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm mạnh
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn; các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tham gia chuỗi chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, trong tháng 3/2018, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) triển khai chương trình “Vay dễ dàng - Lãi ưu đãi” với hạn mức giải ngân 1.500 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 7,5% với VND và 3% với USD. Cùng với đó, SeABank áp dụng mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm trong 3 tháng, từ 8%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và mức lãi suất chỉ từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD.
SHB cũng áp dụng mức lãi vay 8,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, riêng vay trung - dài hạn giảm trực tiếp 0,1%/năm trong 3 tháng…
Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mức lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng thấp hơn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Trước động thái giảm lãi suất của các ngân hàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân phấn khởi bởi đây sẽ là cơ hội vay vốn ngân hàng sản xuất, làm ăn. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người quan tâm là thời gian tới liệu các ngân hàng còn dư địa để giảm lãi suất cho vay hay không?
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất sẽ có cơ hội ổn định và giảm nhẹ trong năm 2018. Hiện tại lãi suất của trái phiếu chính phủ đang giảm xuống ở tất cả các kỳ hạn, có nghĩa mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp, tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất huy động của các NH. Thời gian qua, NHNN rất chủ động linh hoạt bơm hút tiền, đảm bảo thanh khoản dồi dào, hỗ trợ đáng kể cho hệ thống giúp các NH giữ được ổn định mặt bằng lãi suất
“Chủ trương của Chính phủ là làm sao giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Để giảm được lãi suất cho vay thì phải giảm được lãi suất huy động, vì các ngân hàng có biên độ lợi nhuận thường là 3% mức lãi suất đầu ra và lãi suất cho vay, lãi suất đầu vào là lãi suất huy động khoảng cách khoảng 3%. Đó là biên độ lợi nhuận cần thiết để các ngân hàng kinh doanh có lời, 3% đó phải đủ để chi phí cho dự trữ bắt buộc”. TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, định hướng điều hành lãi suất cho vay để thực hiện chủ trương giảm lãi suất trong năm 2018 của Chính phủ đã được NHNN thực hiện rốt ráo. Bên cạnh việc bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp, ngay từ đầu tháng 1/2018, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cùng vào cuộc trong việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay./.