Lãi suất ngân hàng tiếp tục đi xuống
Đây là một tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay.
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN |
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng phổ biến ở mức từ 6,5-7,1%/năm khi gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng.
Cá biệt, một số ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm nhưng kèm theo một số điều kiện. Trong đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang là ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao nhất là 8,4%/năm; kế sau đó là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 8,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 hoặc 24 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng niêm yết lãi suất cao nhất lần lượt là 8 và 7,9%/năm, cho các khoản tiền tiết kiệm từ 200 và 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.
Trong số hơn 20 ngân hàng được khảo sát, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trong hệ thống với 5,5%/năm áp dụng khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên trong kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Tại 4 ngân hàng lớn, lãi suất huy động giảm nhẹ 0,1-0,2% tùy từng kỳ hạn so với hồi đầu tháng trước. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công thương Việt Nam (VietinBank), Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) đều niêm yết mức lãi suất cao nhất hiện nay là 5,6%/năm, giảm nhẹ 0,2% so với trước, khi gửi tiền từ 12 tháng trở lên. Cũng giảm nhẹ 0,1% so với đầu tháng 11, nhưng lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có phần nhỉnh hơn, ở mức 5,8%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng này, lãi suất cao nhất chỉ 4%/năm.
Có thể thấy, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng huy động không còn dành cho các kỳ hạn dài trên 36 tháng như trước, mà tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 12-24 tháng. Thậm chí, có ngân hàng còn hạ lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng xuống mức thấp hơn lãi suất huy động 24 tháng. Diễn biến này dường như trái ngược với trước đây khi các ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền dài hạn để duy trì dòng vốn ổn định.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào. Nhất là thời gian qua, nhiều ngân hàng tập trung huy động vốn dài hạn nhằm đáp ứng được quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, nên nhu cầu vốn dài hạn đến nay có phần giảm bớt, lãi suất cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Tuy lãi suất huy động liên tục đi xuống nhưng lãi suất cho vay tại các ngân hàng vẫn chưa thể giảm tương ứng. Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, hiện nay nhiều ngân hàng còn tồn một lượng lớn vốn dài hạn huy động với lãi suất cao khoảng 7-8%, thậm chí là cao hơn. Do đó, giá vốn đầu vào vẫn cao, khiến lãi suất cho vay chưa thể ngay lập tức giảm mạnh.
Thậm chí ngay cả khi lãi suất cho vay giảm thì ngân hàng cũng không dễ tìm được khách hàng phù hợp. Bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc OCB cho biết, đây không chỉ là cái khó của riêng OCB mà hầu hết các tổ chức tín dụng đều gặp phải. Bởi ngay cả các gói tín dụng ưu đãi cũng phải có những tiêu chuẩn nhất định. Giảm lãi suất nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm, nên nếu khách hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì ngân hàng cũng không thể giải ngân.
Theo báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức từ 3,0-6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức từ 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức từ 4,2-6,0%/năm.
Nhận định về xu hướng lãi suất thời gian tới, bà Đào Minh Anh cho biết lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2021. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng qua chỉ đạt hơn 6% nhưng từ đầu quý IV/2020 đã dần tăng trở lại, dự kiến năm nay tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 10% và sẽ tập trung chủ yếu trong quý này.
"Mặc dù dịch COVID-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với cả ngân hàng. Đây là lúc ngân hàng phải sát cánh cùng doanh nghiệp, cung cấp giải pháp tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu phù hợp", bà Minh Anh nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cho biết bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, phải tính toán kinh doanh đảm bảo an toàn nguồn vốn và lợi ích của cổ đông. Thông thường khi lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,1-0,2% thì lãi suất cho vay cũng sẽ được giảm tương ứng dành cho cả khách hàng vay mới và khách hàng hiện hữu. Năm 2021 là một năm khó đoán định. Tuy nhiên xu hướng giảm lãi suất khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm.