Nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm
Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường đến các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. |
Từ sáng sớm mùng 1 Tết, rất đông người dân đã đến Chùa Hang, TP Thái Nguyên thắp hương thành tâm khấn nguyện. Mọi người tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Năm nào, gia đình tôi cũng đi lễ chùa cầu bình an; gia đình tôi cũng thực hiện nghiêm 5K".
Chị Vũ Thùy Linh, ở TP Hà Nội cho hay: "Tôi mong muốn tất cả mọi người đều có một cuộc sống bình an, ấm no và thịnh vượng. Khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ bước vào một cuộc sống mới nhiều may mắn, hạnh phúc hơn".
Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. |
Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các cơ sở tâm linh đều khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh khi tham dự các hoạt động đầu năm mới.
Đại đức Thích Thanh Hoàng, chùa Phù Liễn, TP Thái Nguyên cho biết: "Để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, nhà chùa đã có biển báo 5K khuyến cáo, tuyên truyền, nhắc nhở bà con, làm sao để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19".
Đối với mỗi người dân Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ./.