“Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế“
Sáng 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2019, Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin một số kết quả công tác THADS, THAHC nổi bật năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2018, về kết quả THADS đã thi hành xong hơn 570.000 việc, đạt tỷ lệ 80,30%; về tiền, đã thi hành xong hơn 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,35%.
Về kết quả theo dõi THAHC, đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý 13 trường hợp.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan THADS địa phương đã tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp 691 lượt công dân, giảm 97 lượt so với năm 2017. Toàn hệ thống đã giải quyết xong 3.090 việc/3.171 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,13%, tăng 1,22% so với năm 2017.
Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS, tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp và Hệ thống THADS trong năm 2018.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh kết quả, tiến bộ đã đạt được, hoạt động THADS, hành chính còn một số điểm cần lưu ý, trong đó còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều (17 trường hợp). Số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều; một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, hệ thống THADS tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về THADS để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sơ kết việc tổ chức thi hành Luật THADS và Nghị định hướng dẫn thi hành; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm. Ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.
“Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức, chấp hành viên, quản tài viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS, tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, thi hành án hành chính. Trong đó, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; có cơ chế thẩm định, định giá đối với các tài sản kê biên trong quá trình tố tụng để có căn cứ đảm bảo tính khả thi trước khi phán quyết phần dân sự; tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
“Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là người phải thi hành án chây ỳ, tẩu tán tài sản; đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục kịp thời giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh./.