Nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam trong hội nhập
Nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn cho nông sản Việt Nam trong hội nhập” là chủ đề hội thảo quốc tế do Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Doanh nghiệp tham luận tại hội thảo |
Các tham luận tại hội nghị nêu lên bức tranh tổng quan về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như xu hướng mới về an toàn thực phẩm toàn cầu. Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, điển hình như nông sản, thực phẩm có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi thế thương mại này, trước hết, nông sản phải đảm bảo những tiêu chuẩn về chất lượng của thị trường nhập khẩu.
Toàn cảnh hội nghị |
Thực tế cho thấy, hiện chỉ có 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có quy trình chế biến nông lâm thủy sản đáp ứng được quy định của các thị trường lớn như: Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành nông sản, thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về quy mô vốn và công nghệ. Số doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm hiểu và trang bị khả năng cho hội nhập chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp….
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, trong bối cảnh mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quan niệm thay vì chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng thì trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro như: những hóa chất nào được phép sử dụng, công nghệ bảo quản như thế nào là phù hợp, vấn đề truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm, những yếu tố này trong chuỗi giá trị đều phải được công khai, minh bạch.
Một số ý kiến đề nghị, về quản lý Nhà nước các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ, Công thương phải nhanh chóng nghiên cứu những quy định mới để đưa ra nhận định và cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ Trần Văn Tùng, để vượt qua và đáp ứng những rào cản kỹ thuật của các nước, doanh nghiệp ngoài việc áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, cần chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các Bộ, ngành đã xây dựng và ban hành. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cho nông dân khi tham gia chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tùng lưu ý: Khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường trên thế giới sẽ phải chịu sự giám sát và báo cáo đầy đủ về từng khâu của quá trình sản xuất ra sản phẩm đó, có như vậy mới đáp ứng và thâm nhập được những thị trường này. Bộ khoa học công nghệ sẽ cùng với các Bộ ngành liên quan nhanh chóng xây dựng và ban hành công bố các hệ thống tiêu chuẩn an toàn về thực phẩm phù hợp với các quy định quốc tế để thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản./.