Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên chủ động, linh hoạt đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học |
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao cho xã hội, những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật trực thuộc Đại học Thái Nguyên chủ yếu tuyển sinh hệ cao đẳng, với ngành nghề đào tạo đa dạng, nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm mở một số nghề mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay như: Điện, Cơ khí, Công nghệ Ô tô, Công nghệ thông tin…
Thạc sỹ Phạm Đình Tiệp, Phó Trưởng khoa Điện, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật, ĐH Thái Nguyên cho biết: “Sau khi được trang bị kiến thức chuyên môn thì các em được học các chuyên ngành dựa trên các trang thiết bị, máy móc hiện đại của nhà trường. Sau khi các em học tại trường xong thì được nhà trường, khoa giới thiệu đi thực tập tốt nghiệp và trải nghiệm ở các công ty lớn trong và ngoài nước”.
Không chỉ đa dạng các ngành nghề đào tạo, mà hiện các nhà trường cũng chủ động, linh hoạt đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt để sinh viên có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thích ứng được với công việc, các trường cũng đã chủ động thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế.
Trong chương trình đào tạo, Trường CĐ Y Thái Nguyên dành 70% thời gian cho sinh viên thực hành |
Thạc sỹ Trịnh Thị Minh Phương, Trưởng Bộ môn Điều dưỡng, Trường CĐ Y Thái Nguyên: “Chương trình đào tạo hiện nay của chúng tôi là lấy thời lượng là 70% thời gian dành cho thực hành, 30% thời gian là lý thuyết. Ngoài việc nâng cao kiến thức qua học lý thuyết thì sinh viên sẽ được học thực hành cầm tay chỉ việc, từ những kỹ năng đơn giản đến phức tạp tại trường sau đó thì sang bên lâm sàng các bạn ứng dụng những kiến thức và các kỹ năng được học đó vào trong việc lâm sàng, chăm sóc người bệnh”.
Sinh viên Đỗ Đức Nam, Lớp Điều dưỡng K16, Trường CĐ Y Thái Nguyên chia sẻ: “Qua một thời gian học tập tại trường em thấy kiến thức ở trường thầy cô dạy rất chi tiết và việc thực hành thì bám sát với thực tế, qua đó giúp cho sinh viên sau khi ra trường sẽ có tay nghề vững chắc và tự tin hơn trong công việc”.
Bên cạnh đó, để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, các trường nghề cũng chú trọng tăng thời lượng học thực hành, trang bị nhiều hơn cho sinh viên kiến thức ngoại ngữ. Đặc biệt là kết nối với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên giải bài toán tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi ra trường.
NGƯT Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi xác định mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng cho nên từ những năm 2018 chúng tôi đã ký kết với 40 doanh nghiệp và đến hiện nay số lượng doanh nghiệp ký kết với nhà trường lên khoảng trên 50, trong đó tập trung vào một số những doanh nghiệp FDI ở Thái Nguyên và một số tỉnh. Đây là điều kiện rất quan trọng để cho sinh viên của chúng tôi đến thực tập tốt nghiệp và sau đó thì có đến 90% các em ở lại để làm việc cho các doanh nghiệp”.
Theo nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025, xác định mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững./.