Mỹ có thực sự muốn “tránh xa khỏi cuộc nội chiến Syria” không?
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Theo AFP, phát biểu với các phóng viên trước khi lên đường sang châu Âu vào đầu tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ tập trung tối đa vào cuộc chiến chống IS.
Ảnh minh họa: AFP |
“Chúng tôi sẽ không nổ súng, trừ khi đó là IS”, ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn bị lôi kéo vào cuộc nội chiến tại Syria. Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc nội chiến này thông qua các kênh ngoại giao”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Mattis đã gây ra rất nhiều tranh cãi bởi trên thực địa, cuộc chiến tại Syria đang diễn ra hết sức phức tạp và các chiến đấu cơ do Mỹ đứng đầu cũng đã lần đầu tiên bắn hạ chiến đấu cơ của quân đội Syria.
Không dừng lại tại đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cũng ra tuyên bố cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường Syria. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cũng cảnh báo quân đội Syria sẽ “phải trả giá rất đắt” nếu dám tiến hành cuộc tấn công nói trên.
Hơn thế nữa, các lực lượng trên bộ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu cũng lên tiếng cáo buộc các lực lượng thân với Tổng thống Syria al-Assad thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào họ trong những tuần gần đây khiến họ buộc phải bắn hạ 2 máy bay không người lái do Iran tự chế.
Gần như ngay lập tức, ông Mattis đưa ra một tuyên bố có phần trái ngược với những gì ông đã nói ở trên: “Nếu có ai đó săn đuổi, dội bom hay nã đạn vào chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải thực thi quyền tự vệ chính đáng của mình và sẽ làm mọi cách để họ chấm dứt việc đó”.
Điều này là bởi, quân đội Syria, được Nga và Iran “tiếp sức” sau khi liên tiếp giành được chiến thắng trước IS đã tiếp tục tiến vào những khu vực nơi liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến hành các chiến dịch chống IS dẫn đến những “vụ va chạm không mong muốn” vừa qua.
Chính vì thế, ông James Mattis một lần nữa đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì kênh liên lạc Nga để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột giữa 2 bên. Đường dây nóng nhằm “hạ nhiệt căng thẳng” đã được 2 bên liên tục sử dụng để báo trước cho nhau mọi hoạt động tác chiến.
Vai trò của đường dây nóng này lại càng trở nên quan trọng hơn khi liên quân do Mỹ đứng đầu đang tấn công các tay súng IS ở Thung lũng sông Euphrates sau khi chúng hứng chịu thất bại nặng nề ở thủ phủ Raqqa trong khi các lực lượng thân ông Assad cũng đang tiến vào khu vực này.
Ông Mattis tuyên bố: “Các bên sẽ phải hành động một cách hết sức thận trọng. Càng tiến sâu vào khu vực này, mọi chuyện sẽ càng trở nên phức tạp”.
Mỹ “khó ăn khó nói” với Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đề cập đến một khía cạnh khác được cho là “cũng rất nhạy cảm” trong vấn đề Syria, đó là việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd để họ chiến đấu chống IS ở phía Bắc Raqqa.
Động thái này khiến Thổ Nhĩ Kỳ- một đồng minh quan trọng của Mỹ trong NATO- hết sức bất bình bởi từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn cáo buộc lực lượng dân quân người Kurd (YGP) có liên hệ với Đảng Lao động người Kurd (PKK)- một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẽ giúp sửa chữa một số trang thiết bị hậu cần cho lực lượng YGP sau khi lực lượng này kết thúc cuộc chiến chống IS.
Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ có hỗ trợ YPG sửa chữa các loại vũ khí mà họ sử dụng trong cuộc chiến chống IS hay không, ông Mattis tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể”.
“Chúng tôi sẽ tìm cách sửa chữa số vũ khí này ngay khi đang xảy ra giao tranh. Khi họ không còn cần loại vũ khí nào nữa, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ các loại vũ khí khác mà họ thực sự cần”, ông Mattis giải thích.
Khi được hỏi về việc lực lượng YPG sẽ được trang bị như thế nào sau khi cuộc chiến ở Raqqa kết thúc, ông Mattis tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xem xét việc này. Việc họ được trang bị vũ khí như thế nào sẽ phụ thuộc vào chiến dịch tiếp theo mà họ tham gia là gì. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Raqqa có vẻ như còn lâu mới kết thúc”./.