Một năm thực hiện thỏa thuận hạt nhân: Iran quyết không đàm phán lại
Tuyên bố của Iran đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, với các cảnh báo trước đó về khả năng hủy bỏ hay đàm phán lại thỏa thuận, chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Sau 1 năm được thực hiện, Thỏa thuận hạt nhân Iran đang tiến triển với việc các bên thực hiện cam kết trong thỏa thuận. Về phía Iran, đã giảm bớt các kho uranium, nước nặng, cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận với một số cơ sở hạt nhân.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Press TV). |
Người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Yukia Amano đánh giá cao việc Iran thực hiện các cam kết: "IAEA là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân. IAEA và Iran đã có các cuộc thảo luận về một loạt các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân cũng như các thỏa thuận liên quan. Việc Iran thực hiện hoàn toàn thỏa thuận này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Kế hoạch hành động toàn diện chung".
Về phía quốc tế, một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran cũng dần được dỡ bỏ. Hôm 12/1, Iran qua vui mừng nhận chiếc máy bay đầu tiên của phương Tây, kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan ngại về tương lai thỏa thuận hạt nhân sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ hoặc đàm phán lại.
"Một thỏa thuận hạt nhân tồi" –đó là khẳng định của Tổng thống đắc cử Trump viết trên trang mạng xã hội gần đây. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump cần phải cân nhắc các hậu quả trước khi thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trước hết, Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận đa phương giữa Iran và 6 nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Mặc dù Mỹ phản đối thỏa thuận nhưng sẽ rất khó để thuyết phục các nước còn lại đồng ý. Tự mình rút khỏi thỏa thuận cũng sẽ "cô lập" Mỹ khỏi liên minh, ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề nóng quốc tế.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho rằng, đảm bảo thỏa thuận tiếp tục có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung: "Chúng ta đã thành công trong việc đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta có thể thấy những nguy cơ khi thỏa thuận này bị phá vỡ với sự mất ổn định trong khu vực hay các hoạt động khủng bố gia tăng. Do đó sẽ là khôn ngoan khi tiếp tục đảm bảo thỏa thuận này".
Lí do thứ 2 để thỏa thuận này tiếp tục có hiệu lực là với các điều khoản trong thỏa thuận, 7 năm đầu tiên sẽ tạo ra một khoảng thời gian dài đáng kể để kiểm soát chặt chẽ chương trình hạt nhân Iran. Mỹ và các đối tác cũng có hội để đưa ra các kế hoạch “răn đe” bất cứ nỗ lực nào của Iran hướng đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu Thỏa thuận này “chết yểu” có thể tạo ra một khoảng trống nguy hiểm, đồng nghĩa với việc đến thời điểm này chưa có bất cứ biện pháp nào hiệu quả hơn để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thứ trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 15/1 cũng cảnh báo, chính quyền mới của Mỹ không thể hủy bỏ thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân "sẽ không bị đưa ra đàm phán lại". Ông Araghchi cũng nhắc lại lời cảnh báo trước đó của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố, nếu Mỹ “xé bỏ” thỏa thuận này thì Iran sẽ “đốt cháy” nó.
Ngoài ra, Thỏa thuận hạt nhân này mang tính quốc tế. Nếu các bên phá vỡ thỏa thuận sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt quốc tế được khôi phục, khơi mào cho các hành động quân sự nguy hiểm. Chính vì vậy, theo giới quan sát, thay vì xóa bỏ nó, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump nên thúc đẩy thỏa thuận.
Tuy vậy để đảm bảo tính răn đe, Tổng thống đắc cử Trump cũng phải đưa ra hai lập trường cơ bản rõ ràng với Iran, đó là Mỹ sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Iran không tuân theo thỏa thuận, cũng như không do dự sử dụng biện pháp quân sự để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân./.