Mộng World Cup của Thái Lan và giấc mơ “ao làng” của bóng đá Việt Nam
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), ông Somyot Poompunmuang đã bật đèn xanh để HLV Kiatisuk tìm công việc mới, trước khi hợp đồng giữa FAT và “Zico Thái” kết thúc vào cuối tháng 1 này.
Điều đáng bàn nằm ở chỗ Kiatisuk sắp phải rời đội tuyển Thái Lan trong bối cảnh mà ông vừa giúp đội bóng đất Chùa Vàng bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup. Đồng thời, bản thân Kiatisuk cũng là tượng đài ngỡ như bất khả xâm phạm của bóng đá Thái Lan.
Tuy nhiên, thực tế là cho dù vô địch Đông Nam Á hết sức thuyết phục, nhưng đội tuyển Thái Lan vẫn thất bại ở 2 mục tiêu lớn, có thể là mục tiêu chính của bóng đá Thái Lan trong nhiệm kỳ 3 năm đã qua của HLV Kiatisuk, đó là không thể đưa đội tuyển U23 Thái Lan đến Olympic Rio 2016, cũng như không còn nhiều cơ hội giúp đội tuyển quốc gia Thái Lan dự VCK World Cup 2018.
Kiatisuk không còn được tin dùng, do thất bại trong việc đưa bóng đá Thái Lan đến Olympic và VCK World Cup |
Chi tiết cho thấy tham vọng của bóng đá đất Chùa Vàng rất rõ ràng: Bứt hẳn ra khỏi khu vực Đông Nam Á, gia nhập trình độ châu Á và tiến vào đấu trường thế giới.
Đấy cũng là xu thế tất yếu của mọi nền bóng đá giàu tham vọng. Thái Lan từ lâu không còn bằng lòng với việc quanh quẩn ở “vùng trũng” của túc cầu giáo là Đông Nam Á. Riêng chủ tịch FAT, ông Somyot Poompunmuang đã sớm để lộ quyết tâm phải nâng tầm bằng được trình độ của đội tuyển Thái, thông qua một HLV giỏi hơn nữa.
Đứng trên góc độ vừa nêu, Kiatisuk được xem là không còn phù hợp với khát vọng và chiến lược vươn xa của người Thái, mà đích đến chính là VCK World Cup.
HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn chắc chỗ cho dù thất bại ngay tại khu vực Đông Nam Á (ảnh: Gia Hưng) |
Chiến lược đấy khác rất xa so với thực tế những gì đang diễn ra với bóng đá Việt Nam 2 năm trở lại đây. Chúng ta sẵn sàng sa thải một HLV Miura luôn chủ trương đưa đội tuyển đến các giải châu lục và vòng loại World Cup, với một tình thần nghiêm túc chưa từng có ở các sân chơi này, cũng như một đội hình và một lối chơi giàu tính cạnh tranh nhất ở các giải tầm châu Á trở lên từ trước đến giờ.
Chúng ta sa thải vị HLV như thế, để quay lại với tuyên bố sẽ vô địch SEA Games 2017, với một HLV khác ông Miura, từ một – hai vị Phó chủ tịch VFF thiếu tầm nhìn xa, quá chú trọng đến một lứa cầu thủ duy nhất của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... và luôn tuyến bố rằng chỉ cần sa thải ông Miura là có ngay HCV SEA Games.
Đấy là tư duy lẩn quẩn mà cách nay 1 năm một vài vị quan chức cao cấp ở cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam sa vào: Tư duy quanh quẩn với ao làng khu vực. Thay vì nghĩ đến tầm châu Á, vạch chiến lược để bắt kịp trình độ châu Á, bóng đá Việt Nam sau chừng ấy năm vẫn chỉ mơ vàng SEA Games.
Ngặt một nỗi nữa, để theo đuổi chỉ tiêu vàng SEA Games đấy, bóng đá Việt Nam sẵn sàng giữ lại HLV Nguyễn Hữu Thắng, người vừa thất bại tại AFF Cup, với một lối chơi khá cứng nhắc, thiếu khoa học và một nền tảng thể lực bị đánh giá là kém xa thời Miura.
Thái Lan sẵn sàng chia tay với vị HLV đưa họ đến ngôi vô địch AFF Cup 2016, để mơ về những giấc mộng đẹp hơn, trong khi bóng đá Việt Nam tiếp tục giữ chắc chỗ cho HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ để quanh quẩn với chỉ tiêu tìm chỗ đứng tại vùng trũng.
Hơn 20 năm sau ngày thua Thái ở đấu trường SEA Games tại Chiang Mai (Thái Lan), bóng đá Việt Nam vẫn thua họ với khoảng cách ngày một xa. Lần này là thua ở tầm nhìn, thua ở khâu định hướng của một vài vị làm nhiệm vụ hoạch định chiến lược cho toàn bộ nền bóng đá mới đau!