“Mô hình 9+” - Hướng mở cho học sinh sau tốt nghiệp THCS
Hội thảo “Hướng nghiệp 4.0 - Đồng hành cùng con tuổi 15” do Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Thái Nguyên tổ chức

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa diễn ra. Thời điểm này, nhiều phụ huynh đã bắt đầu tìm hiểu các chương trình đào tạo để phù hợp với nguyện vọng của con và gia đình. Mô hình “9+” là một trong những lựa chọn.

Chị Bùi Lan Phương, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ cảm nhận: "Môi trường này sẽ tốt vì tiết kiệm được khoảng thời gian của con, Ví dụ như con học hết cấp ba xong lại phải ba năm nữa thì con mới lên được cao đẳng, đây là một thời gian để tiết kiệm cho con, cho con va chạm với cuộc sống tốt hơn".

“9+” là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9. Các em có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình đang được áp dụng phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây. Bởi sau bậc THCS, nhiều học sinh đã xác định con đường học nghề nào phù hợp với mong muốn và sở thích của bản thân, từ đó tự đặt ra những mục tiêu phấn đấu của riêng mình.

“Mô hình 9+” - Hướng mở cho học sinh sau tốt nghiệp THCS
“9+” là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Khai Thác, Chế biến khoáng sản Núi Pháo chia sẻ: "Một điều tất yếu của các bạn Trung học cơ sở mà có nhu cầu... lên cấp ba thẳng hay là vào một trường nghề nào đó, thì với cái xu thế đấy của thế giới hiện đại như bây giờ thì mình nghĩ là các doanh nghiệp không chỉ riêng là Masan high tech material hay là bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu kết nối với các trường như vậy để có được nguồn đầu ra an toàn, bền vững và phát triển trong tương lai".

Chị Cao Thị Thúy Hiền, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Queen Global: "Khi chúng tôi cần một lượng lao động chuyên ngành thì chúng tôi lại không có, có những ngành chúng tôi không tuyển thì lại thừa rất nhiều. Đấy là những cái chưa có sự ăn khớp giữa việc đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của của doanh nghiệp. Tôi thấy việc định hướng nghề sớm như thế này cũng rất tốt và đặc biệt là trong thời công nghệ 4.0 các công nghệ về digital rất là quan trọng".

Chủ trương giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã chuyển dần từ thời gian dài sang ngắn, đi từ kiến thức bao quát đến chuyên sâu, từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo ra sự linh hoạt cho người học. Việc phân luồng học sinh sau THCS trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Nhà nước./.