Mưa không ngớt, đường sá bị sạt lở, thôn xóm chìm trong biển nước. Cán bộ, chiến sĩ phải lội nước bám địa bàn, đoạn ngập sâu cơ động bằng xuồng, ca nô để tiếp cận nhà dân. Nhiều nhà nằm sâu hút trong ngõ nhỏ, hoặc nằm xa khu dân cư khiến việc tiếp cận gặp không ít khó khăn. Trung tá Phạm Hữu Giáp, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Thuận Nam cho biết: “Chiều 25-11, mưa lớn kèm theo xả lũ ở các hồ chứa làm mực nước tại xã Phước Nam đột ngột dâng cao. Do chưa có kinh nghiệm ứng phó với lũ nên người dân rất hoang mang. Cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân cơ động đã gấp rút đưa bà con đi sơ tán. Những gia đình còn mắc kẹt trong lũ được đưa lên mái nhà và phát áo phao; sau đó đơn vị hiệp đồng các lực lượng đưa bà con đến nơi tránh trú an toàn”.

mau ao xanh giua dong nuoc lu
Các cán bộ, chiến sĩ sử dụng xuồng cao tốc để tiếp cận nhà dân.

Đêm xuống nhanh, mưa càng lúc càng to. Sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước, các chiến sĩ vừa lạnh, vừa đói nhưng vẫn cố gắng đến từng mái nhà một. Trời tối như mực, để dễ phát hiện và tiếp cận người dân hơn, các đơn vị đã cho ca nô vừa chạy vừa hú còi báo động. Nghe tiếng còi hú, vợ chồng anh Dương Thắng Tuấn (32 tuổi, người dân tộc Chăm, trú khu phố 6, thị trấn Phước Dân, huyện Thuận Nam) mừng đến phát khóc. Nhà có con nhỏ mới hơn 1 tuổi, vợ không biết bơi, lại bị mắc kẹt giữa biển nước, anh chị đứng ngồi không yên. Nghe còi, anh vội bật đèn pin, chiếu ra xa làm tín hiệu. Giữa khoảng không đen đặc, thấy ánh sáng le lói, tổ công tác của Bộ CHQS tỉnh nhanh chóng cho xuồng tiếp cận. Nước chảy xiết, lối vào nhà bị cản trở bởi cây cối, hàng rào, gần 30 phút tiếp cận, tổ công tác đã bế được cháu bé lên xuồng, đưa gia đình anh Tuấn đến nơi an toàn. Anh xúc động nói: “Nước ngập hết nhà, tôi chưa bao giờ thấy nước to thế. Cả nhà rất sợ, cứ lo bộ đội không tìm thấy mình. May quá, giờ an toàn rồi, cảm ơn bộ đội nhiều lắm”.

mau ao xanh giua dong nuoc lu
Các cán bộ, chiến sĩ đưa người dân đi sơ tán.

Trong biển nước, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ hết mình vì dân thật đẹp và gần gũi. Ở đây, không khó để bắt gặp hình ảnh màu áo xanh bộ đội len lỏi khắp thôn xóm; không màng hiểm nguy, chân dò dẫm từng bước, tay bám dây, lưng cõng người già và trẻ em sang ca nô, ra khỏi vùng lũ. Cùng chung cảnh ngập lụt, vợ đang mang thai, lại ở nhà một mình, Thượng úy Nguyễn Thành Kính, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 610, Trung đoàn 896 dù rất lo lắng nhưng vẫn chỉ huy đơn vị sơ tán dân tránh lũ tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Thượng sĩ Nguyễn Lương, Trung đoàn 896, nhà chỉ còn cha mẹ già yếu, nước ngập sâu hơn 1m, thiệt hại nhiều tài sản vẫn dốc lòng cứu dân. Bởi người dân đang cần các anh, và họ tin ở quê nhà sẽ có đồng đội sẵn lòng giúp gia đình mình qua cơn nguy khốn.

Theo Đại tá Lưu Xuân Phương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận, trong 2 ngày 24, 25-11, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 169 cán bộ, chiến sĩ, gần 600 đồng chí dân quân cơ động của các huyện, thành phố cùng các phương tiện ứng cứu và di dời 542 hộ dân, hơn 1.000 con gia cầm, gần 200 con gia súc đến nơi trú tránh an toàn; tiến hành đắp 150m đê với 1500m3 đất, đá…”.

mau ao xanh giua dong nuoc lu
Đắp đê ngăn lũ tại sông Lu.

Ngày 26-11, nước rút dần, các đơn vị vẫn triển khai thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh, tiếp tục theo dõi, chủ động nắm chắc diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất; duy trì trực chỉ huy, trực ban cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng cơ động giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dân, thực hiện đúng tinh thần: “quân với dân như cá với nước”./.