Lúng túng với tiền ảo, Grab, Uber: kinh tế số ở Việt Nam còn vướng mắc
Nền kinh tế số sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở mỗi quốc gia, khi các lĩnh vực kinh tế dựa vào hoặc sử dụng mạng và nền tảng công nghệ số thông minh, giúp gia tăng GDP với tỷ lệ và mức độ vượt trội. Trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, quảng cáo, tiếp thị trực tuyến trên các trang mạng xã hội, taxi Uber hay Grab… chính là những dấu ấn của kinh tế số hóa.
Một nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ) cho thấy, Việt Nam hiện đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều đó đã chứng tỏ kinh tế số ở Việt Nam đang có triển vọng phát triển.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thách thức về mặt điều phối kinh tế, an ninh an toàn mạng, nhận thức của các chủ thể kinh tế về chuyển đổi số hóa, Việt Nam hiện nay đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Do đó, nếu tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số sẽ có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, quá trình hình thành nền kinh tế số cũng như phát triển các thành phố thông minh ở Việt Nam là quá trình khuyến khích đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế.
Chính vì vậy, để phát triển kinh tế số, ông Bình cho rằng cần xây dựng chính sách thương mại hóa rõ ràng, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động được phương án sản xuất và kinh doanh ngay từ những ngày đầu thành lập, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc xin các giấy phép, cấp các giấy phép mới.
“Cần xác định các nhóm sản phẩm chiến lược từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nhằm cụ thể hóa các quy định ưu tiên cho các sản phẩm này và phát huy lợi thế sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam”, ông Bình lưu ý.
Có một thực tế là trong thời gian qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tuy đã có chủ trương để tạo điều kiện phát triển nhưng khung pháp lý lại chưa hình thành, khiến vấn đề thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo từ ứng dụng công nghệ đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân có thể thấy được là do là các loại hình sản phẩm, dịch vụ này đều rất mới, lần đầu xuất hiện trên thị trường và phải chờ đợi rất lâu để được cấp phép nên làm lỡ cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, môi trường chính sách và khung pháp lý hiện hành còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Chính sách thuế với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ số tại Việt Nam đang có bất cập.
Điển hình như các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook, Grab... chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5%, nhưng đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi cung cấp dịch vụ tương tự không những phải trả thuế VAT, thuế người dùng mà còn phải trả 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam, về cơ bản Việt Nam đã sẵn sàng với kinh tế số, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số sẽ là một xu thế sẽ không đảo chiều được.
Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Xuân Hải cũng cho rằng, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang còn vướng mắc nhiều ở khung pháp lý khi trên thực tế, các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước “tiền ảo”, hay các start-up Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam.
“Việc cải cách hành lang pháp lý khi tiếp cận với nền kinh tế số ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Điều quan trọng cần phải làm là có những chính sách và quá trình đầu tư trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, kiến tạo trong thời gian sớm nhất. Khi xã hội có lực lượng lao động chất lượng cao sẽ vừa tận dụng được tối đa thành tựu của công nghệ thông tin, vừa bảo đảm quá trình hội nhập vững chắc”, ông Hải chỉ rõ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tận dụng được những lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, điều cấp bách đối với các nhà quản lý là thay đổi tư duy, tạo hành lang pháp lý tốt để công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh tế cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới.
Cùng với đó, trong thời gian ngắn, Việt Nam cần có chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào phát triển kinh tế số hóa để bắt kịp với xu hướng chung toàn cầu./.