Lọc dầu Dung Quất sẵn sàng cho bảo dưỡng tổng thể lần 3
Công ty BSR sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 3 (TA3) nhà máy lọc dầu Dung Quất trong vòng 52 ngày (bắt đầu từ 5/6, gồm cả thời gian dừng và khởi động lại nhà máy). Sẽ có hơn 6.000 công việc, với sự tham gia của gần 4.000 nhân sự (cả BSR và các nhà thầu) và hàng ngàn máy móc, thiết bị chuyên dụng. Việc lập kế hoạch đã chuẩn bị từ 2 năm trước.
Công tác chuẩn bị cho bảo dưỡng nhà máy đã cơ bản hoàn thành (Ảnh: BSR) |
Hiện nay công tác chuẩn bị các nguồn lực, vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho đại công trình bảo dưỡng, phấn đấu rút ngắn thời gian khoảng 5 ngày, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.
Theo ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng ban bảo dưỡng sửa chữa và KTTB (BSR), TA3 nhằm đưa thiết bị nhà máy về trạng thái hoạt động như thiết kế ban đầu. Mỗi thiết bị sẽ được mở ra, vệ sinh và kiểm tra chi tiết bên trong cũng như để sửa chữa thay thế các hư hỏng nếu có.
Các nhà thầu được BSR tham gia TA3 có năng lực và nhiều kinh nghiệm, có tiến độ đề xuất tốt và chi phí hợp lý. Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu trên thế giới và đã tham gia thực hiện các lần bảo dưỡng trước.
Đánh giá về TA3, Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết, BSR đặt mục tiêu đảm bảo tối đa hóa việc tự chủ trong quá trình thực hiện, giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật bên ngoài để tiết giảm chi phí. Mục tiêu của TA3 giúp NMLD hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên; kéo dài thời gian hoạt động nhà máy sau BDTT từ 3 năm lên 4 năm.
Với giá dầu 50 USD/thùng, quá trình bảo dưỡng rút ngắn 1 ngày sẽ giúp BSR tăng doanh thu 250 tỷ đồng và tăng nộp ngân sách 30 tỷ đồng. BSR đã và đang thực hiện mọi biện pháp, sáng kiến để rút ngắn thời gian bảo dưỡng từ 5-7 ngày bằng việc bố trí làm việc 3 ca tại một số khu vực bảo dưỡng và sử dụng máy móc hiện đại như các thiết bị cắt bằng tia nước, các thiết bị làm sạch đồng thời và liên tục...
Để đáp ứng mục tiêu rút ngắn thời gian bảo dưỡng và đưa nhà máy vận hành ổn định công suất 110%, Ban Nghiên cứu phát triển (BSR) đã tiến hành nâng công suất của từng phân xưởng và chạy thử. Cụ thể phân xưởng CDU chạy thử mức 114%; phân xưởng xử lý Naphtha tăng 125% công suất; phân xưởng RFCC tăng 105% công suất.
“Chúng tôi nâng công suất và chạy thử ở từng phân xưởng nhằm tìm ra các điểm bottle neck (điểm “nút cổ chai” về kỹ thuật) để lên kế hoạch khắc phục nhằm đảm bảo sau bảo dưỡng nhà máy vận hành ổn định, liên tục công suất 110% trong vòng 3-4 năm tiếp theo. Sau khi tìm mọi biện pháp kỹ thuật, chúng tôi phối hợp với nhà cung cấp bản quyền công nghệ để yêu cầu tư vấn kỹ thuật nhằm có đủ thông tin, đảm bảo bảo TA3 tốt nhất”, ông Mai Việt Thắng, Tổ trưởng tổ công nghệ (Phòng Công nghệ, Ban Nghiên cứu phát triển) cho biết./.