“Lò” luôn phải bùng cháy khi tham nhũng, lãng phí còn rất nặng nề
Vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng đã và đang đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách, những nguy cơ đe dọa vận mệnh đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sức sống của Đảng. Đó là: tệ tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực, tư duy nhiệm kỳ, tệ lãng phí và tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… khiến lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị xâm hại, sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam, vì thế, cũng bị xâm hại.
Trước thực tế đó, Đại hội XII đặt ra yêu cầu “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ…” là một nhiệm vụ vô cùng hệ trọng.
Ông Hà Đăng. |
Phân tích sâu hơn về mức độ cấp thiết phải xây dựng Đảng về đạo đức, ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, cuộc vận động toàn Đảng xây dựng về đạo đức đã được thực hiện từ khá lâu, đặc biệt để chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống được đặt ra từ Đại hội IX, Đại hội X, nhưng tình hình suy thoái, đặc biệt từ Đại hội XI đến giờ, vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.
“Suy thoái về tư tưởng chính trị đang “tấn công” rất mạnh vào đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp trên. Nói như vậy không có nghĩa bên trên là hư hỏng hết nhưng có những cán bộ ở nhiều cấp, cả ở bên trên, có dính tới lợi ích nhóm”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức đó là vấn đề đạo đức đã bị xem nhẹ khi chúng ta bước vào kinh tế thị trường, dẫn tới hậu quả là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức ngày càng trầm trọng, chủ nghĩa cá nhân ngày càng phì đại, chỉ thấy lợi ích mà không thấy giá trị tinh thần, dẫn đến hậu quả là sự vô cảm không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong Đảng, trong từng con người.
Đáng suy nghĩ là tình trạng suy thoái, yếu kém được phát hiện từ lâu nhưng sửa chữa không kiên quyết, triệt để khiến những mặt tiêu cực diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Rõ nhất, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, vấn nạn mà chưa bị đẩy lùi. Không chỉ tham nhũng vặt mà còn tham nhũng lớn, không chỉ trong kinh tế mà còn trong chính trị. Những cái sai, cái hỏng của cơ chế, chính sách vô hình chung đã “khuyến khích” ngoài ý muốn những thứ bệnh khó chữa đối với cán bộ đảng viên, công chức, dẫn đến sự hư hỏng, hám chức, hám quyền, hám danh, hám lợi, lợi dụng, móc ngoặc, dung túng, bao che cho nhau vì những ràng buộc lẫn nhau về lợi ích không chính đáng, minh bạch.
Sự suy thoái, những hạn chế yếu kém trong tư tưởng, đạo đức đã được nhìn thấy, chỉ ra; nhiều nghị quyết về vấn đề này được đặt ra nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, mà diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Điều đó cho thấy sức công phá từ bên trong của loại giặc nội xâm, của chủ nghĩa cá nhân là cực kỳ nguy hiểm và nan giải.
GS Hoàng Chí Bảo. |
Để xây dựng đạo đức trong Đảng, theo GS Hoàng Chí Bảo, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, phải xóa bỏ được đặc quyền, đặc lợi. Chừng nào chưa xóa bỏ được thì nó vẫn còn là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng cho sự tha hóa về động cơ chính trị, tha hóa về quyền lực, về lối sống.
Do đó, sự gương mẫu, tấm gương của lãnh đạo, của các cơ quan lãnh đạo, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy là vô cùng quan trọng trên cơ sở xác lập chính sách đúng, kỷ luật nghiêm, chế tài mạnh.
Quan trọng hơn cả, theo GS Hoàng Chí Bảo là phải coi trọng giáo dục đạo đức, thực hành lối sống có đạo đức đối với cán bộ đảng viên trong từng tổ chức đảng, trong toàn Đảng một cách thường xuyên, lâu dài, bền bỉ. “Đây là vấn đề trọng yếu, quyết định để Đảng trong sạch, vững mạnh, để củng cố bền chặt quan hệ giữa Đảng với dân, giữ vững niềm tin của dân với Đảng”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Cùng với đó là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội. Xử lý nghiêm minh tham nhũng và các tội phạm khác theo luật pháp. Không có ngoại lệ, không có vùng cấm, công khai minh bạch trong xét xử, trong kỷ luật trong thi hành án và thi hành kỷ luật.
Đặc biệt phải giáo dục danh dự, nhân phẩm, liêm sỉ, lòng tự trọng cho cán bộ đảng viên, công chức, cả những người đương chức đương quyền và những cán bộ kế cận trong quy hoạch. Phải biết xấu hổ trước những việc làm sai trái, tham lam, dục vọng cá nhân, phải coi tham nhũng là một tội ác và trừng trị tham nhũng như trừng trị một tội ác.
Sau Đại hội XII với tinh thần quyết liệt đấu tranh, trung ương đã đưa ra xử lý khá nhiều cán bộ “hư hỏng” và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ dư luận xã hội. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ví như một chiếc lò nóng, sẽ phải luôn bùng cháy khi tình trạng tham nhũng lãng phí, quan liêu còn rất nặng nề. Đây là nguyện vọng của người dân. Sự ghi nhận của người dân để thấy họ có lòng tin vào quyết tâm của Đảng nhưng không vì thế mà Đảng được phép thỏa mãn mà cần đẩy mạnh hơn để cuộc chiến ấy có những chuyển biến lớn hơn nữa./.