Thủ tướng: Cắt giảm điều kiện kinh doanh để tránh tiêu cực, tham nhũng
Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và các vấn đề về thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tránh hình thức, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tránh lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Sau khi phân tích những mặt tích cực, những thách thức và rủi ro đối với nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành phải quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, trong đó khẳng định lại tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.
Trước thực tế chiến tranh thương mại đang tác động đến nước ta, đồng thời trong bối cảnh nước ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, Thủ tướng cho rằng Bộ Công thương phải “nhạy cảm” hơn trước các vấn đề này. Theo đó, Bộ cần bám sát, cập nhật tình hình, và đánh giá tác động của tranh thương mại, đưa ra các kịch bản và giải pháp hiệu quả cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nước ta. Cụ thể như đa dạng hóa thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tập trung khai thác thị trường trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Nêu lên những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ra tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhất là tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là với người dân.
Theo đó, Bộ Công thương cần phân tích biểu giá xem đã phù hợp hay chưa, nhất là bậc 1 vẫn giữ ở mức 50 với quan điểm hỗ trợ người nghèo như trước đây, nay được cho là không còn phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm mạnh. Thủ tướng chỉ đạo cần đánh giá lại tất cả biểu giá này, đồng thời tiếp thu kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ để sau đó cùng các ngành để đánh giá lại.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng giá điện vừa qua là cần thiết, bởi giá điện Việt Nam thấp nhất khu vực, nên cần có lộ trình phù hợp với khả năng cung cấp điện và cũng như giá thành sản xuất điện hiện nay.
Dù Chính phủ đã tập trung và dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, nhưng Thủ tướng lưu ý, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề này và cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm đầu tiên là của các bộ, bởi đa số văn bản thể chế hiện nay do các bộ dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.
Về việc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng sẵn sàng giải trình trước Quốc hội và nhân dân những vấn đề đại biểu nêu ra.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, tránh lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó là rà soát lại các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để triển khai, tháo gỡ các vướng mắc, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; thúc đẩy các dự án lớn; nghiên cứu giảm lãi suất; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh thu hút khách du lịch.
Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ và chất lượng đề ra. Không cắt hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối. Tiêu cực tham nhũng trong việc điều kiện kinh doanh này, trong khi còn mấy vạn điều kiện, nhất là một số ngành trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa. Đừng để chỉ cắt hình thức còn nội dung bên trong không chịu cắt, núp bóng dưới hình thức này, hình thức khác. Đây là điểm cản trở cho sản xuất".
Thủ tướng cũng chỉ đạo tránh sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vì doanh nghiệp và người dân quyết định tăng trưởng đất nước.
Từ những gian lận thi cử vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý nghiêm. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có kế hoạch, phương án đảm bảo để các kỳ thi sắp tới diễn ra thành công trên cả nước. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân về việc chất lượng của kỳ thi.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cùng các Đại sứ Việt Nam tại các nước EU cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm các nước EU vừa qua của Thủ tướng và lãnh đạo Nhà nước khác, phối hợp với cơ quan chức năng các nước và EU để xử lý nhanh các vấn đề cần thiết, thúc đẩy ký kết, phê chuẩn hiệp định này sớm nhất./.