Lãnh đạo ngành nói về những ‘điểm nghẽn’ của du lịch Việt Nam
Mùa lúa chín Tam Cốc nhìn toàn cảnh từ Hang Múa. (Ảnh: CTV) |
Nhiều câu hỏi về những “điểm nghẽn” của ngành du lịch Việt Nam và hướng tháo gỡ trong tương lai đã được các thành viên Chính phủ trả lời tại phiên trả lời chất vấn sáng 6/6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV).
Bốn điểm nghẽn của ngành du lịch
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ rõ bốn “điểm nghẽn” hiện nay của ngành du lịch Việt Nam.
“Điểm nghẽn đầu tiên liên quan đến hạ tầng giao thông, sân bay quá tải. Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay. Thời gian làm thủ tục kéo dài, gây mệt mỏi cho du khách,” ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Theo lãnh đạo ngành, “điểm nghẽn” thứ hai liên quan đến vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn thị thực cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp hạng cao về tiềm năng đầu vào. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh của Việt Nan chỉ đứng thứ 116/136 quốc gia được khảo sát, đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6. (Ảnh: TTXVN) |
Ngoài ra, việc quảng bá, xúc tiến du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mỗi năm, Việt Nam chỉ đầu tư trung bình khoảng 2 triệu USD kinh phí cho hoạt động này. Mức chi này thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia chi khoảng 100 triệu USD/năm).
Không chỉ có vậy, trên thực tế, Việt Nam có rất văn phòng đại diện ở nước ngoài để trực tiếp quảng bá, xúc tiến du lịch. Hoạt động này chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán. Trong khi đó, một nước khác trong khu vực như Thái Lan có tới 28 văn phòng tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam còn thiếu. “Hiện nay, để quản lý, vận hành khách sạn 4-5 sao, chúng ta vẫn phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao,” Bộ trưởng chỉ rõ.
“Trong phiên chất vấn chiều qua (5/6), có đại biểu đặt câu hỏi rằng: ‘Liệu du lịch có phải ngôi sao cô đơn?’ Câu trả lời là ‘không.’ Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội. Hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,” ông Thiện nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin thêm, hiện nay, cả nước chia thành bảy vùng du lịch. Trên cơ sở này, các địa phương chủ động triển du lịch địa phương. “Dẫu vậy, thực trạng hiện nay đúng là việc liên kết các vùng du lịch (đặc biệt là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch…) còn nhiều yếu kém, hạn chế.”
Cảnh giác với giá rẻ
Nhiều đại biểu Quốc hội đề cập thực trạng, nhiều cá nhân, đơn vị lữ hành lợi dụng danh nghĩa, uy tín của các tổ chức (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) để lôi kéo người dân tham gia tour du lịch giá rẻ hoặc miễn phí. Tuy nhiên, thực tế, khi tham gia tour, du khách phải trả rất nhiều chi phí phát sinh lớn hoặc bị dụ dỗ mua hàng giá cao, không tương thích với chất lượng sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việc này giống như hành vi bán hàng đa cấp.”
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết người dân cần cảnh giác trước các thông tin. Hiện nay, việc tham khảo, tìm kiếm thông tin về các tour, giá thành, dịch vụ… không quá khó khăn. “Đối với bất cứ cái gì được cho không hay rẻ hơn mức bình thường, chúng ta đều cần lưu ý. Người dân bị lừa đảo thì cần báo với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra nhiều biện pháp để phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh: TTXVN) |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển du lịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Vấn đề này cả thế giới đã làm rồi! Thực chất, có thể hiểu nôm na là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào ngành du lịch.”
Cụ thể, Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian quan, ngành du lịch Việt Nam đã làm được nhiều việc, có kết quả rõ rệt: giới thiệu địa điểm, sản phẩm du lịch, số hóa di sản để quảng bá, xử lý hệ thống máy hỗ trợ thuyết minh tại các địa điểm du lịch (theo hướng đa dạng hóa ngôn ngữ) để khắc phục hiện trạng thiếu hướng dẫn viên biết những thứ ngôn ngữ ít người sử dụng…
Để phát triển ngành du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để thúc đẩy các phương thức, phương tiện thanh toán (đặc biệt là hình thức thanh toán qua điện thoại di động); đa dạng hóa sản phẩm du lịch (đặc biệt lưu ý việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng); đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện…./.