Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các các chương trình, dự án giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

lang phi tu mo hinh giam ngheo
Nhóm hộ anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nuôi dê Bách Thảo thất bại.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, hàng trăm công trình, dự án với nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, trên hành trình xoá đói giảm nghèo ở địa phương này đã bộc lộ nhiều hạn chế, hàng ngàn tỉ đồng trôi sông đổ biển.

Anh Phạm Văn Na ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 6 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ mô hình nuôi dê Bách thảo vào năm 2016.

lang phi tu mo hinh giam ngheo
Nhiều mô hình chăn nuôi theo dự án giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi thất bại gây lãng phí.

Theo anh Na, mỗi nhóm được hỗ trợ 11 con, nhưng đến nay đều đã chết hết do thời điểm cấp dê thời tiết không phù hợp. Hơn nữa, trước đây người dân chưa từng nuôi dê, nên không có kinh nghiệm để chăm sóc vật nuôi.

Gia đình anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số những hộ được thụ hưởng dự án giảm nghèo hỗ trợ giống con vật nuôi, cây trồng cho người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi mang đến nhiều nỗi lo. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình nuôi thỏ, dê bách thảo, bò Zebu,… theo chương trình giảm nghèo ở các huyện miền núi đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Gần 2 năm trôi qua, trong vườn nhà anh Hồ Văn Xoay ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi ngổn ngang những chiếc lồng sắt cũ kỹ. Anh Xoay chưa dám vứt bỏ những vật dụng gỉ sét này vì lỡ bị đòi lại thì lấy đâu mà trả.

Cuối năm 2016, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo được cấp 10 con thỏ giống để phát triển chăn nuôi. Anh Xoay học cách chăm sóc nhưng không hiểu sao, sau gần 3 tháng, đàn thỏ chết dần. Nhiều hộ nghèo trong thôn Gò Rô được cấp thỏ như gia đình anh Xoay cũng đứng ngồi không yên. Hơn 50 triệu đồng, hàng chục con thỏ giống từ dự án giảm nghèo tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà coi như mất trắng.

Anh Hồ Văn Xoay than thở: "Bà con làm đúng kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn nhưng thỏ ở đây không thích nghi được với môi trường. Triển khai mô hình nuôi thỏ ở đây rất khó vì bà con chưa tiếp xúc với những con vật nuôi này bao giờ".

lang phi tu mo hinh giam ngheo
Bà con miền núi Quảng Ngãi rất cần những mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng và tổ chức sản xuất. Một số dự án, chương trình cũng chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

Ông Hồ Văn Trực, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Trà Khê, huyện Tây Trà cho rằng đã có nhiều mô hình rất kém hiệu quả: "Nếu chúng ta làm mô hình nhiều nhưng khâu quản lý và chăm sóc kém thì sẽ không mang lại hiệu quả. Chúng ta cần có phương pháp đầu tư hợp lý, tập huấn để bà con tiếp cận phương pháp chăm sóc có hiệu quả".

Chuyện lúng túng trong việc chọn con giống, cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi diễn ra từ nhiều năm nay.

Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2016, một số mô hình chăn nuôi dê mua giống dê ngoài Bắc đưa vào, do đó, dê không chịu được thời tiết nên bị chết.

Việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều lãng phí, chưa tạo bước đột phát theo mục tiêu của các chương trình giảm nghèo đặt ra.

Theo ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan có nhiều nguyên nhân chủ quan. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định các loại cây trồng, con vật nuôi. Cụ thể như mô hình nuôi bò Zê bu ở các huyện miền núi không phù hợp với tập quán sản xuất và điều kiện chăn nuôi của đồng bào vùng cao. Sự trông chờ, ỷ lại của bà con cũng làm cho chuyện xoá đói giảm nghèo thêm khó khăn.

Ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận hạn chế của phương thức hỗ trợ trước đây là thường hỗ trợ trực tiếp cho người dân và thường là cho không. Phương thức hỗ trợ này tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. Những nguyên nhân chủ quan cùng với nguyên nhân khách dẫn đến không đạt được chỉ tiêu giảm nghèo như mục tiêu đặt ra./.