Lần thứ tư cho Thành Lương và lần đầu của Huỳnh Như
Lần thứ tư cho Thành Lương
Quyết định chia tay đội tuyển quốc gia của Thành Lương sau AFF Cup 2016 được đưa ra khá đột ngột. Nó đột ngột ở chỗ bước sang năm 2017, Thành Lương mới 29 tuổi, một độ tuổi chưa thể gọi là quá già để toả sáng ở sân chơi đỉnh cao.
Thế nhưng, tiền vệ tài hoa này vẫn chọn cách dừng lại, nhường quyền gánh vác đội tuyển cho thế hệ sau. Quyết định đấy, cũng như toàn bộ sự nghiệp nói chung của Thành Lương là một sự kỳ lạ.
Có kỳ lạ từ thể hình nhỏ bé của Thành Lương ngỡ như không hợp với bóng đá đỉnh cao. Anh chỉ cao chưa đến 1m60, lại khiếm khuyết ở chỗ chiều dài của 2 chân không bằng nhau. Thế nhưng, chính khiếm khuyết đấy sau này lại tạo ra một Lương “dị” cực kỳ đặc biệt trong lối đi bóng và khả năng giữ thăng bằng.
Thành Lương kỳ lạ còn ở điểm trong khi cả làng cầu chuyên nghiệp Việt Nam ít năm trước liên tục nghĩ đến chuyện chuyển đổi CLB, hòng kiếm những khoản tiền lót tay khổng lồ, thì Thành Lương gần như trung thành tuyệt đối với đội Hà Nội ACB, sau này đổi tên thành CLB Hà Nội của bầu Kiên.
Quả bóng vàng lần thứ 4 có thể cũng là lần cuối cùng đối với Thành Lương (ảnh: Trọng Vũ) |
Nếu như không có sự cố bầu Kiên bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh cách nay vài năm, thì Thành Lương có lẽ cũng không thay đổi đội bóng, không chuyển sang khoác áo Hà Nội T&T của bầu Hiển.
Hồi đấy, ngay cả lúc Hà Nội ACB còn chơi ở giải hạng Nhất, Thành Lương vẫn giành Quả bóng vàng lần đầu tiên trong đời (năm 2009), vẫn được gọi vào đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup 2008.
Thành ra, sau này khi chuyển đến Hà Nội T&T, Thành Lương gặt hái thêm các QBV khác cũng chẳng làm cho nhiều người ngạc nhiên. Danh hiệu còn thiếu của Thành Lương khi khoác áo Hà Nội ACB thì anh được bổ sung lúc về Hà Nội T&T: Danh hiệu vô địch V-League.
Có thể nói Thành Lương là cầu thủ Việt Nam có bộ sưu tập danh hiệu tập thể cũng như cá nhân đầy đủ nhất: Vô địch V-League trong màu áo CLB, vô địch AFF Cup trong sắc áo đội tuyển quốc gia, cùng với 4 lần đoạt QBV.
Thành ra, nói như HLV Hoàng Anh Tuấn, rằng có thể nếu để so sánh và để đặt cùng thời với các ngôi sao của quá khứ như Lê Huỳnh Đức, hoặc Nguyễn Hồng Sơn, Thành Lương chưa chắc có chỗ đá chính, nhưng về mặt danh hiệu thì Thành Lương hơn hết thẩy.
Lần đầu của Huỳnh Như
Trái ngược với trường hợp của Thành Lương, thành công đến Huỳnh Như khá muộn. Cho dù từ lâu đã là trụ cột của đội bóng nữ TPHCM, nhưng kỳ thực hình ảnh của Huỳnh Như không quá được chú ý đối với những ai không thường xuyên theo dõi bóng đá nữ.
Danh hiệu QBV năm 2016 có thể sẽ mở ra chân trời mới cho Huỳnh Như (ảnh: Trọng Vũ) |
Các chuyên gia bóng đá nữ nhận xét rằng khả năng thu hút hình ảnh từ người xung quanh của Huỳnh Như không cao. Không phải Huỳnh Như kém tài, kém đóng góp cho các đội bóng mà cô thi đấu (TPHCM, đội tuyển quốc gia), chỉ là những đóng góp đấy thường lặng thầm và hình ảnh của Huỳnh Như cũng hiếm khi xuất hiện trên mặt báo.
Năm ngoái, thậm chí BTC giải thưởng QBV Việt Nam còn sót tên Huỳnh Như trong danh sách đề cử ban đầu, chỉ đến khi các đồng nghiệp ở các cơ quan truyền thông nhắc, Huỳnh Như mới được bổ sung vào danh sách đấy, rồi nhận bóng đồng.
Năm nay thì Huỳnh Như giành vàng, trong bối cảnh mà bóng đá nữ TPHCM thành công đúng phong cách thi đấu của Huỳnh Như: Cũng lặng thầm tiến bước, trước khi chạm đích trước tiên ở giai đoạn quan trọng nhất.
Ở Huỳnh Như có sự tổng hợp các tố chất của những tiền đạo hàng đầu của bóng đá nữ Việt Nam ít năm qua. Cô gái này có nhạy cảm săn bàn như Ngọc Châm ngày trước, cộng với nền tảng thể lực dẻo dai giống Minh Nguyệt hiện tại.
Rốt cuộc thì QBV nữ cũng tìm về với chủ nhân xứng đáng, cho nhân vật gần như đã gánh vác hàng tấn công của đội nữ TPHCM nhiều năm qua, từ sau lúc HLV của đội bóng nữ thành phố hiện tại là Kim Chi giải nghệ, sau lúc một ngôi sao khác là Kim Hồng sa sút vì chấn thương, rồi đưa đội đến thành công, góp công lớn giúp đội tuyển quốc gia giữ được vị thế.